Cán bộ ngân hàng lừa đảo tiền tỷ
Trung tuần tháng 3-2017, TAND TP Đà Nẵng xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Phạm Trường Lĩnh (1982, trú P.Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nguyên là một cán bộ Ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 8-2010, Lĩnh được Tổng giám đốc Ngân hàng này bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng giao dịch Hải Châu thuộc chi nhánh Đà Nẵng. Tuy nhiên, do chất lượng công việc không hiệu quả, tai tiếng nên Lĩnh bị điều động về công tác tại Phòng quan hệ khách hàng (chi nhánh Đà Nẵng) với nhiệm vụ là chuyên viên xử lý nợ. Tiếp đó, Lĩnh được chuyển sang làm chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân chuyên trách xử lý nợ cho chi nhánh Đà Nẵng. Đầu tháng 2-2012, Lĩnh cho Lê Phước Thiện Vũ (1977, trú P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) vay 2,4 tỷ đồng thời hạn vay 2 tháng. Đến hạn, Vũ không chịu trả nợ và bỏ trốn nên Lĩnh phải "gánh nợ".
Bị cáo Lĩnh |
Đến hạn trả nợ, Lĩnh phải đi vay người này, trả cho người kia, đến cuối tháng 12-2013 đầu tháng 1-2014, Lĩnh không còn khả năng chi trả và vay mượn được nữa nên đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Lúc đó, mặc dù không làm nhiệm vụ tín dụng cho khách hàng vay vốn nhưng lợi dụng công việc được giao, Lĩnh giới thiệu mình là cán bộ tín dụng của ngân hàng thuộc Chi nhánh Đà Nẵng, nói dối là vay tiền ngắn hạn làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, hứa hẹn lãi suất cao, tạo dựng tài liệu giả mạo để làm cho mọi người tin tưởng để chiếm đoạt tài sản của nhiều người rồi bỏ trốn.
Theo cáo trạng, Lĩnh đã chiếm đoạt của 4 bị hại với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; trong đó, chiếm đoạt của ông Ngô Văn Bàng (Đà Nẵng) 660 triệu đồng, bà Ngô Thị Lan Nhi 200 triệu đồng, ông Ngô Vũ Anh hơn 3,4 tỷ đồng và ông Đặng Văn Mẫn 300 triệu đồng. Ngay sau khi VKS công bố bản cáo trạng, bị cáo Lĩnh đồng ý với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nhưng không đồng ý với số tiền và số nạn nhân như cáo trạng nêu. Cụ thể, bị cáo cho rằng mình chỉ có hành vi lừa đảo đối với trường hợp ông Bàng còn 3 trường hợp còn lại chỉ là giao dịch dân sự, thậm chí trường hợp của ông Mẫn, bị cáo không hề nhận tiền. Đặc biệt là trường hợp ông Ngô Vũ Anh, bị cáo cho rằng đây hoàn toàn là giao dịch dân sự nên không thể hình sự hóa đối với hành vi vay mượn tiền này của bị cáo.
Tại tòa, Lĩnh phủ nhận và cho rằng mình chỉ nhận từ Anh 20 lần với số tiền 1 tỷ đồng. Mọi lời khai của bị cáo trước tòa trái ngược hoàn toàn với những lời khai có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt là liên quan đến các món nợ của ông Anh, bà Nhi và ông Mẫn. Tuy nhiên, những bản tự khai của bị cáo trong hồ sơ thể hiện "vì vay mượn tiền đến thời gian trả nhưng không còn khả năng chi trả mới đưa ra thông tin không có thực nhằm mục đích vay người này trả người kia".
Luật sư (LS) tham gia bào chữa cho bị cáo, thống nhất về tội danh VKS truy tố đối với bị cáo nhưng không đồng ý với số tiền mà cáo trạng nêu về trường hợp ông Anh. LS cũng cho rằng đây là giao dịch dân sự nên phải để giải quyết bằng một vụ án dân sự. Ngoài ra, LS cho rằng việc VKS truy tố số tiền hơn 3,4 tỷ đồng của trường hợp ông Anh là không có cơ sở vì bị hại không cung cấp được tài liệu là cuốn sổ ghi chép (!?). Ngoài ra, LS đề nghị HĐXX áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ để tuyên phạt bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của VKS. Về vấn đề này, VKS khẳng định việc truy tố đối với số tiền trên là có cơ sở vì nó được dựa trên chứng cứ là 2 tờ giấy do Lĩnh viết. Lĩnh khai không có cuốn sổ ghi chép, không nhận số tiền như ghi trong giấy... nhưng ngược lại, bị hại còn khai số tiền lớn hơn số tiền ghi trong 2 giấy trên nên VKS căn cứ vào những chứng cứ hiện có để truy tố.
Từ những cơ sở có trong hồ sơ vụ án cũng như căn cứ vào lời khai tại tòa, HĐXX nhận thấy trong tổng số tiền mà bị cáo bị truy tố lừa đảo có một phần thuộc về quan hệ dân sự nên cần tách ra. Riêng đối với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà VKS truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Sau khi xem xét, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo mức án 12 năm tù, buộc bị cáo bồi thường cho 4 bị hại số tiền hơn 2,1 tỷ đồng theo quy định của pháp luật.
Trang Trần