Cán bộ xã tham ô tiền của Chương trình 167

Thứ tư, 27/07/2016 12:19

(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 21 và 22-7, TAND H. Bố Trạch (Quảng Bình) mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 6 bị cáo, nguyên cán bộ xã Nhân Trạch, H. Bố Trạch về tội “Tham ô tài sản”, gồm: Võ Hồng Thái (1960, nguyên Chủ tịch UBND xã), Trương Xuân Thu (1958, nguyên Bí thư Đảng ủy xã), Dương Quang A (1956, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã), Dương Đình Cưng (1976, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã), Lê Thanh Hoành (1973, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã), Dương Quang Tám (1977, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã).

Theo hồ sơ vụ án, trong 2 năm 2012 và 2014, lợi dụng 3 hộ dân Lê Xề, Phạm Quang Tánh, Hồ Sương đã được các nguồn tài trợ khác hỗ trợ làm nhà, các bị cáo nói trên đã lập hồ sơ khống và lập biên nhận tiền chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ, để chia nhau chi tiêu Tết. Tổng số tiền 6 bị cáo chiếm đoạt trong 2 năm 2012 và 2014 là 37,2 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo đã bị VKSND H. Bố Trạch truy tố về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 278 BLHS. Tuy nhiên, tại phiên tòa, các bị cáo Thái, Thu, A, Cưng, Tám đều kêu oan, vì cho rằng số tiền mà các bị cáo này nhận đều không biết đó là tiền của Chương trình 167. Bị cáo Thu khai nhận, khi có Chương trình 167 của Nhà nước, Hoành là Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết nên toàn bộ các công việc đều đã giao cho Hoành quyết định. Trong thời gian chương trình triển khai đến lúc kết thúc, Hoành không hề báo cáo gì cho bị cáo. Khi Hoành đưa các hồ sơ ký để quyết toán thì thấy các thủ tục đầy đủ nên bị cáo ký với trách nhiệm là chủ tài khoản. Trong trường hợp này, lỗi của bị cáo là do tin tưởng anh em quá mức, nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu kiểm tra, giám sát. Còn về việc bàn bạc thống nhất chia tiền 167 để ăn Tết, khi nghe bị cáo Thái bảo chia tiền Tết cho anh em, tôi không nói và bàn bạc gì. Khi được Hoành gọi sang nhận tiền Tết thì bị cáo sang nhận chứ không hề biết đó là tiền Chương trình 167.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Tám khai nhận, cả 2 lần nhận tiền thì Hoành không nói rõ là tiền gì nên không biết đây là tiền của Chương trình 167. Lúc ký vào giấy nhận tiền, Tám cũng không thấy có chữ 167. Hơn nữa, từ ngày 5-8-2013 đến 23-5-2014, Tám phải tạm cắt sinh hoạt Đảng và công tác để tham gia học lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính tập trung, theo quyết định của Huyện ủy, nên trong lần thứ 2, khi nghe Hoành gọi điện về nhận tiền vào dịp Tết bị cáo tưởng đó chỉ là tiền Tết.

Riêng bị cáo Lê Thanh Hoành khai, việc lập hồ sơ khống, ký khống chứng từ để nhận tiền của 3 hộ dân nói trên là có sự chỉ đạo (bằng miệng) ông Thái trên cương vị là Chủ tịch UBND xã -chủ tài khoản. Về danh sách ký nhận tiền, Hoành chỉ ghi tên mình vào danh sách chứ không nhận tiền và hiện số tiền đó Hoành đang cất giữ ở nhà. Lý giải về việc tại bản photo gửi kèm đơn tố cáo không có chữ 167, nhưng bản gốc lại có, Hoành cho rằng, do mình xóa bỏ. Hoành đề nghị, do có công tố cáo hành vi tham ô, nên yêu cầu HĐXX được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong phần tranh tụng tại phiên tòa, hầu hết các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều phản ứng với quan điểm truy tố của VKSND, với lý do bằng chứng để buộc tội và truy tố các bị cáo Thu, Cưng, Thái, A, Tám về tội “Tham ô tài sản” đều chưa chính xác, thiếu căn cứ, cơ sở pháp lý. Theo đó, các luật sư đều cho rằng, HĐXX nên xem xét, đánh giá đúng bản chất vụ việc, các yếu tố cấu thành tội phạm “Tham ô tài sản” để định tội danh của 5 bị cáo nói trên phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội mà họ đã gây ra. LS Ngô Văn Xảo cho rằng, danh sách ký nhận tiền do bị cáo Hoành tự lập ra để các bị cáo nhận tiền và ký vào đó chưa đủ căn cứ để buộc tội “Tham ô tài sản” cho các bị cáo. Bởi tại bản photo tố cáo hành vi của tập thể Thường vụ Đảng ủy xã Nhân Trạch mà bị cáo Hoành gửi UBND H. Bố Trạch, không thể hiện đây là tiền Chương trình 167. Chỉ sau khi xuất trình bản gốc với cơ quan chức năng, Hoành mới đưa ra bản có chữ 167. Liệu, bản gốc mà Hoành giữ có sự chỉnh sửa, thêm bớt gì không? Trong khi, tại Bản kết luận Giám định số 815/GĐ-PC54 ngày 14-7-2015, của Cơ quan Kỹ thuật hình sự CA tỉnh khẳng định: “Không kết luận chữ viết, chữ số trên tài liệu... có cùng thời điểm viết ra hay không vì không có phương tiện và ngoài khả năng của giám định viên”.

LS Ngô Đức Thịnh (bào chữa cho bị cáo Cưng, A, Tám) lập luận, nếu là đồng phạm thì họ phải tham gia với vai trò giúp sức, thế nhưng quá trình lập hồ sơ, ký khống hóa đơn chứng từ để rút tiền, chỉ một mình bị cáo Hoành tiến hành. Nghĩa là, kể từ khi bị cáo Hoành lập chứng từ khống cho 3 hộ Lê Xề, Phạm Quang Tánh, Hồ Sương để quyết toán và nhận số tiền 21,6 triệu đồng hành vi tham ô đã hoàn thành, mà không hề có sự tham gia của các bị cáo khác. Luật sư Lê Duần (bào chữa cho bị cáo Thu) cho rằng, cả 5 bị cáo Thu, Cưng, Thái, A, Tám đều có hành vi và động cơ phân biệt hoàn toàn với hành vi của bị cáo Hoành. Nên HĐXX cần cân nhắc tội danh “Tham ô tài sản” mà VKSND truy tố cho 5 bị cáo nói trên.

Qua xem xét, đánh giá các bằng chứng có trong hồ sơ, đối chiếu với lời khai của các bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Trương Xuân Thu 30 tháng tù; Dương Đình Cưng 27 tháng tù; Lê Thanh Hoành 24 tháng tù; Võ Hồng Thái 15 tháng tù cùng về tội “Tham ô tài sản”; bị cáo Dương Quang A 12 tháng tù; Dương Quang Tám 10 tháng tù cùng về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Ngoài ra, các bị cáo buộc phải nộp 37,2 triệu đồng để trả lại cho UBND H. Bố Trạch và Ban Cứu trợ huyện.

P.V