Cần cảnh báo để HSSV rời xa mọi cám dỗ, hạn chế vi phạm pháp luật

Thứ năm, 15/08/2013 08:54

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-8, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí Đảng ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị đánh giá công tác phối hợp, quản lý, giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật (VPPL) trong học sinh sinh viên (HSSV) trên địa bàn thành phố.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Những con số đáng ngại

Theo đánh giá của hội nghị, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hệ thống trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đà Nẵng đang phát triển rất mạnh trong những năm qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình hình HSSV VPPL và TNXH ngày một tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục đào tạo cũng như tình hình ANTT của địa phương.

Hiện TP có 41 trường học và cơ sở giáo dục từ trung cấp chuyên nghiệp đến ĐH với tổng số hơn 162.788 HSSV và 34.044 HS của 21 trường THPT đang học tập và cư trú. Đại bộ phận HSSV rất chú tâm đến việc học tập, nghiên cứu sáng tạo, có ý thức tự chủ và tham gia các hoạt động đoàn thể lành mạnh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của TP. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ lơ là việc học tập, sống buông thả, đua đòi dẫn đến các hành vi VPPL.

Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xảy ra 931 vụ với 958 trường hợp HSSV VPPL và có dấu hiệu gia tăng hằng năm. Nếu như năm 2012 có 154 vụ với 154 đối tượng có liên quan thì năm 2012 tăng lên 458 vụ với 482 đối tượng, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2013 xảy ra 283 vụ với 290 đối tượng. Số vụ vi phạm phổ biến rơi vào hành vi vi phạm Luật ATGT, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích..., trong đó có hàng trăm vụ bị khởi tố.

Đánh giá của lực lượng CA cho thấy, hầu hết HSSV vi phạm đều đến từ các địa phương khác, do thiếu sự quản lý, giáo dục, chăm sóc của gia đình và có tâm lý sống buông thả, thích đua đòi, ăn chơi nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dẫn đến VPPL. Cùng thời gian, các trường đã phải ra quyết định kỷ luật gần 5.000 trường hợp HSSV VPPL, chủ yếu rơi vào các hành vi như: thi hộ, sử dụng văn bằng giả, đánh nhau, trộm cắp tài sản... Điều đáng nói là nhiều trường hợp bị đuổi học, đình chỉ học 1 năm, đình chỉ thi tốt nghiệp nhưng không chịu về quê, ở lại Đà Nẵng không có công ăn việc làm nên dễ sa vào các TNXH và rủ rê, lôi kéo các HSSV khác, làm gia tăng tỉ lệ HSSV VPPL.

* “Trong khi học sinh mẫu giáo, cấp 1 ngồi trên xe chỉ cần bố mẹ đi nhanh, vượt đèn đỏ lập tức bị các cháu “rút thẻ đỏ, khiển trách” ngay, còn học sinh cấp III, SV ĐH, CĐ ít nhiều hiểu biết về luật lại cố tình phạm luật, thật đáng thất vọng”. - Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn 

Tăng cường quy chế phối hợp

Tham gia ý kiến tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều thẳng thắn thừa nhận: Bên cạnh sự thiếu tự giác rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống của HSSV, một phần trách nhiệm lớn thuộc về các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng.

Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong HSSV của các cấp, các ngành chưa được thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, nhà trường chủ yếu quan tâm đến công tác đào tạo, giáo dục và chuyên môn, còn công tác giáo dục về kỹ năng sống, tuyên truyền pháp luật còn hình thức, chưa thật sự đi vào chiều sâu; các biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục đối với số HSSV cá biệt và biện pháp quản lý số HSSV bị đuổi học, bỏ học, có nguy cơ VPPL cao còn hạn chế; sự phối hợp của các mô hình PCTP trong trường học nặng nề về hình thức, thậm chí có đơn vị sợ ảnh hưởng đến công tác thi đua nên có hiện tượng che giấu HSSV VPPL, do đó công tác quản lý, giáo dục không kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình HSSV thiếu quan tâm, chú ý đến việc quản lý giáo dục, tâm lý, sinh hoạt của con cái hoặc nuông chiều quá mức, coi nhẹ việc giáo dục đạo đức lối sống, phó thác cho nhà trường và xã hội. Công tác phối hợp giữa CA các cấp với các trường trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT chưa chặt chẽ, việc trao đổi thông tin liên quan đến HSSV vi phạm giữa CA và nhà trường chưa được thường xuyên. Điển hình, trong 3 năm qua có 958 trường hợp VPPL nhưng CA các đơn vị chỉ gửi thông báo cho nhà trường 296 trường hợp để răn đe, xử lý.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: C.H

Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là trong tổng số HSSV các trường có tới 75-80% HSSV có tâm lý thích sống ngoại trú nên công tác quản lý, giáo dục gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo ĐHSP cho rằng, khu KTX của trường có thể đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 SV, giá rẻ hơn trọ ngoài, nhưng hầu như chỉ ở đạt khoảng 80% công suất. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tâm lý các em muốn được ở tự do, không chịu sự ràng buộc về giờ giấc, nội quy của BQL KTX.

Đại diện chính quyền Q. Liên Chiểu thì cho rằng, bên cạnh việc muốn sống tự do của HSSV ở các khu nhà trọ còn có sự buông lỏng quản lý của các lực lượng, ban ngành và trực tiếp là chủ kinh doanh nhà cho thuê. Thực tế cho thấy, mỗi ngày có hàng loạt thông tin liên quan đến đời sống xã hội cần có sự tham gia của cánh HSSV đang thuê trọ ở khu dân cư như vệ sinh khu phố, họp tổ, các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật... song hầu như các em tỏ ra bàng quan, xem như không hay biết gì. Trong khi đó chủ nhà trọ chỉ biết đến tháng thu tiền nhà rồi phó mặc cho người thuê nên việc xảy ra tình trạng mất ANTT, dẫn đến tình trạng HSSV VPPL là khó tránh khỏi.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Những năm qua ngành giáo dục Đà Nẵng nói chung, các trường ĐH, CĐ nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực cho TP trên tất cả các lĩnh vực, nhất là khâu đào tạo nguồn nhân lực và lĩnh vực đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bên cạnh những thành tích đạt được, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn mong rằng thời gian tới các đơn vị trường học, lực lượng CA, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa quy chế phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục HSSV để có những đề xuất với TP, từ đó có chỉ đạo, điều hành nhằm hạn chế, kéo giảm đến mức tối đa số HSSV VPPL, bởi đây là công việc không chỉ thuộc một ngành, một cấp nào mà toàn xã hội, cộng đồng phải chung tay góp sức.

“Ngoài phần đa số HSSV tới Đà Nẵng để tu dưỡng học tập, trau dồi kiến thức trước khi bước vào đời thì cũng còn không ít em có lối sống buông thả, mang lại hậu quả phức tạp cho xã hội. Vì vậy, để hạn chế tình trạng HSSV VPPL, trách nhiệm của lực lượng CA, chính quyền địa phương và các đơn vị trường học là phải phối hợp tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhất để cảnh báo cho họ rời xa những luồng tư tưởng không tốt, vượt qua mọi cám dỗ để phấn đấu trở thành những HSSV giỏi, có ích cho xã hội” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Công Hạnh