Cần cảnh giác phòng, ngừa đột quỵ ở giới trẻ
* P.V: Xin bác sĩ cho biết, thực trạng chăm sóc, điều trị bệnh đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện nay?
+ Bác sĩ Phạm Như Thông: Hiện nay, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng đang chăm sóc, điều trị rất đông bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày,các y bác sĩ ở đây điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, gần như kín các giường bệnh. Hầu hết các bệnh nhân đều có diễn biến bệnh khá nặng, được chuyển từ nhiều tuyến y tế ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung đến, trung bình khoảng 30 ca/ngày.
* P.V: Dư luận rất quan tâm đến việc Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa bệnh nhân đột qụy mới 10 tuổi bằng thuốc tiêu sợi huyết. Bác sĩ có thể thông tin thêm về quá trình điều trị ca bệnh này?
+ Bác sĩ Phạm Như Thông: Bệnh nhân này là nam, sinh năm 2013, ở Q.Thanh Khê, nhập cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người bên phải, không nói được. Tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ tiến hành chụp CT sau đó hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa Đột quỵ. Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, vì vậy các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ “đặc biệt” nhất nhằm huy động sự hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, nhân viên xét nghiệm của bệnh viện để làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho chẩn đoán bệnh.
Ban đầu, phương án lấy huyết khối để áp dụng điều trị cho bệnh nhân này được chúng tôi đưa ra thảo luận nhưng nhận thấy không khả quan. Qua hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán chính xác, chúng tôi quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi.
Phương án điều trị này chưa từng được nghiên cứu, điều trị với bệnh nhân nhỏ tuổi, chỉ mới thực hiện ở độ tuổi 16. May mắn là bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực. Hiện tại, bệnh nhân đã xuất viện, đã đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện. Qua theo dõi, mức độ hồi phục của cậu bé này rất tốt, vừa đi học, vừa đến bệnh viện tập phục hồi.
* P.V: Từ thực tế điều trị và nghiên cứu về bệnh đột quỵ, bác sĩ có nhận xét gì về căn bệnh này hiện nay?Bác sĩ có lời khuyên nào cho cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa bệnh, nhất là trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật?
+ Bác sĩ Phạm Như Thông: Thực tế điều trị bệnh đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, độ tuổi đột quỵ ở giới trẻ, từ 50 tuổi trở xuống có chiều hướng gia tăng. Không những vậy, bệnh còn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần để lại. Nếu chậm cấp cứu thì bệnh nhân có thể tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện, còn không thì mất sức lao động, phải sống phụ thuộc vào người khác chăm sóc… Đối với những trường hợp bệnh nhi có bất thường về tim mạch hoặc có rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ, cần được quan tâm lưu ý hơn.
Về biện pháp phòng ngừa căn bệnh này, theo tôi, ngoài yếu tố về di truyền thì không thể đánh giá hết được, còn tác động khác như thói quen sinh hoạt, ăn uống, vận động… mọi người cần phải hết sức lưu ý. Khi cơ thể có những biểu hiện bất thường như: tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, béo phì…, cần phải đi tầm soát để phòng bệnh.
Một điều mọi người hết sức lưu ý nữa là đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân. Vì vậy, mọi người cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời. Khi bệnh nhân có một số hiện tượng sau thì phải nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời: Mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt; mất thị lực 1 phần/hoàn toàn, tầm nhìn bị mờ đột ngột; gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo 1 bên, nhân trung lệch; một bên tay chân yếu, cầm nắm đồ không chắc; mất khả năng nói, đột nhiên nói khó, nói ngọng.
* P.V: Cảm ơn bác sĩ về cuộc phỏng vấn này.
Đinh Nga