Cận cảnh nóc Ông Sinh
Ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thiệt hại của bão số 9 không chỉ gây sạt lở núi vùi lấp hàng chục người dân xã Trà Leng mà tại nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) cũng xảy ra sạt lở làm 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Ngày 3-10, chúng tôi tìm về nóc Ông Sinh để tìm hiểu thêm sự việc, cũng như cuộc sống của người dân nơi đây sau vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng này.
Hiện trường vụ sạt lở làm 8 người thiệt mạng ở nóc Ông Sinh. |
Nỗi đau mất 8 người thân
Con đường liên xã từ trung tâm H. Nam Trà My lên Trà Vân có hơn 10 điểm bị sạt lở. Cơn mưa đầu nặng hạt do ảnh hưởng của bão số 10 kéo dài từ tối qua khiến đường lên nóc Ông Sinh càng thêm khó khăn. Đến hiện trường vụ sạt lở làm 8 người thiệt mạng, một khung cảnh tan hoang hiện ra trước mắt chúng tôi. Có hàng trăm khối đất đá từ trên ngọn đồi đổ xuống làm lấp hoàn toàn 3 căn nhà của người dân. Do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, những căn nhà khác đang được người dân đang tháo dỡ tôn, gỗ chuẩn bị di dời đến nơi ở mới. Trong vụ sạt lở có khoảng 20 người dân may mắn thoát chết hiện đang trú ở nhà Trưởng Công an xã Trà Vân cách đó khoảng 100m.
May mắn thoát chết trong vụ sạt lở, Chị Đinh Thị Thánh (33 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Ảnh hưởng của bão số 9, sáng 28-10 trời có gió mạnh, mưa rất lớn. Sợ gió mạnh làm đổ nhà nên anh Đinh Văn Thiêu (1993, em ruột chị Thánh) dẫn vợ và 5 đứa con sang nhà chị mới làm kiên cố hơn trú bão. Đến trưa, chị nghe tiếng nổ ầm…ầm trên ngọn đồi gần nhà cứ nghĩ làm tiếng sấm. Lát sau chị thấy căn nhà bị rung chuyển, mở cửa ra xem thì thấy căn nhà em chồng Vũ Văn Nam (33 tuổi) đã bị đất vùi lấp đổ sập. Quá hoảng sợ, chị quay lại gọi mọi người chạy thì vừa lúc này đất đã đổ ầm xuống vùi lấp căn nhà mình. “Tôi bị đất lấp chỉ còn lòi phần đầu, đoạn gỗ sườn nhà đè trên chân không thể thoát được.
Tôi kêu cứu… cứu thì anh em quanh đó chạy đến kéo tôi ra. Lát sau, lực lượng dân quân, người dân chạy đến đào được gia đình tôi. Do bị vùi lấp lâu trong đất, đứa con trai 7 tuổi của tôi đã tử vong. Vợ chồng em trai tôi và 2 đứa con nhỏ đã không qua khỏi. Cùng lúc đó, gia đình em Nam cũng được người dân đào đất tìm thấy, nhưng em Nam và 2 đứa con gái đã chết, còn vợ Hồ Thị Phượng (1985) bị thương đang được điều trị tại bệnh viện H. Nam Trà My. Chỉ trong phút chốc tôi đã mất 8 người thân. Mọi tài sản của gia đình cũng bị hư hỏng hết, không biết sau này cuộc sống sẽ thế nào. Từ khi cha mẹ mất, cháu Đinh Vũ Thiên (2 tuổi, con vợ chồng anh Thiêu) ở với người cô ruột, suốt ngày đòi cha mẹ”, chị Thánh nghẹn ngào kể.
Người dân vùng sạt lở tá túc tại lều tạm. |
Cả làng thoát chết do đi cứu người
Tại một ngôi làng khác ở nóc Ông Sinh cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng vùi lấp 7 ngôi nhà dân vào chiều 28-10. Rất may, thời điểm đó đông người dân nghe tin có vụ sạt lở làng bên cạnh liền chạy đi cứu, số còn lại phát hiện núi lở kịp thời bỏ chạy nên không gây thiệt hại về người. Sự việc đã xảy ra nhiều ngày, nhưng chị Hồ Thị Mồng (1998) vẫn còn thất thần khi kể lại sự việc: Hôm đó mưa to gió lớn nên vợ chồng chị đóng cửa ngồi bên bếp lửa sưởi ấm. Đến khoảng 14 giờ, chị nghe tiếng nổ “ầm” ở ngọn đồi sát nhà mình. Chưa kịp ra xem chuyện gì thì ngôi nhà đã đổ sập, đất đá vùi lấp vợ chồng chị. “Tôi và chồng bị đất lấp nửa người nhưng vẫn cố sức bò ra rồi chạy thoát khỏi vùng sạt lở. Chạy được vài mét thì ngôi nhà đã bị đất san bằng. Nhà tôi sát núi bị vùi lấp trước, người dân phát hiện sạt lở cũng kịp thời dẫn nhau bỏ chạy. Cũng may, lúc đó chỉ có ít người trong làng ở lại, số khác bế con đi cứu dân bị sạt lở ở làng bên. Căn nhà vợ chồng tôi vừa xây phải vay mượn khắp nơi, sau này không biết nhà đâu mà ở. Bây giờ đến bộ đồ mặc trên người cũng phải đi mượn”, chị Mồng tâm sự.
Chị Thánh và cháu Đinh Vũ Thiên. |
Ngồi trong căn lều tạm cùng với hàng chục hộ dân mất nhà khác, ông Thống Quốc Tuấn (58 tuổi) nghẹn ngào cho hay, sau khi nhiều hộ có nhà bị sạt và nguy cơ sạt lở cao, địa phương đã dựng tạm căn lều ở sân bóng đá của thôn để ở tạm. Hàng ngày, hơn 50 người dân chen chúc sinh hoạt, ăn uống tại đây nên cuộc sống rất khó khăn. “Nhà tôi bị sập, tất cả tài sản gia đình dành dụm bấy lâu nay cũng đã bị vùi lấp, mất hết rồi. Đất đá trên núi đổ xuống quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, mọi tài sản trong nhà không kịp đưa đi. Nếu sự việc xảy ra vào ban đêm sẽ có rất nhiều người chết. Có 7 căn nhà gần núi bị đất vùi lấp làm hư hỏng hoàn toàn, còn 45 hộ khác nằm trong diện sạt lở phải di dời gấp. Chúng tôi ở tạm tại nhà người dân khu vực không sạt lở, sau đó được chính quyền địa phương dựng lều ở tạm đây. Chúng tôi mong muốn có được nơi ở mới an toàn, mong Nhà nước và các nhà hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi không còn gì cả...”, ông Tuấn bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Huyện – Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho hay, năm nay sạt lở diễn ra nghiêm trọng tại địa bàn, đáng buồn nhất là có 8 người thiệt mạng do bị sạt lở đất vùi lấp. Do đường bị sạt lở chia cắt, khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ khẩn trương phối hợp với người dân đào bới tìm kiếm những người bị vùi lấp và cứu được 7 người, còn 8 người tử vong. “Ngoài 10 ngôi nhà bị vùi lấp thì tại nóc Ông Sinh còn có hơn 40 hộ đang nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở phải di dời gần 200 nhân khẩu. Sáng nay, UBND xã đã tiến hành họp dân để thống kê thiệt hại và tìm địa điểm di dời và tìm nơi tái định cư an toàn. Sau khi lấy ý kiến, nguyện vọng của người dân, chính quyền xã sẽ họp và báo cáo lên cấp trên sớm có biện pháp giải quyết. Trước mắt là người dân sẽ ở tạm trong lều và những nhà dân kiên cố xung quanh”, ông Huyện thông tin.
LÊ VƯƠNG