Cần có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán khô hạn

Thứ bảy, 27/07/2019 13:52

Ngày 26-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã thông tin về một số kết quả đạt được trong công tác thông tin, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTT&TKCN và đảm bảo điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh theo quy định về PCTT tại chỗ; công tác đảm bảo an toàn hồ chứa; phương án ứng phó với bão, lũ, ngập lụt và các công tác liên quan đến PCTT&TKCN. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã ứng dụng, tham khảo kết quả của các dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành như công nghệ GIS để xây dựng bản đồ chỉ huy phòng tránh lũ, bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão; chuyển giao sản phẩm bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa lưu vực Vu Gia - Thu Bồn đến các cơ quan, đơn vị để nghiên cứu, ứng dụng, trang bị hệ thống màn hình theo dõi, giám sát vận hành hồ chứa theo quy trình 1537; phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai..

Tại buổi làm việc, ông Trương Xuân Tý- Chánh Văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác, như: Đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia có kế hoạch huy động các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đảm bảo nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du cho mùa cạn; Bộ TN&MT sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Sớm triển khai nâng cấp, xây dựng các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó cần thiết thực hiện nâng cấp trạm thủy văn Hội Khách nhằm phục vụ cho công tác điều tiết lũ trên sông Vu Gia; Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia: "Nghiên cứu về mối quan hệ giữa động đất và việc tích nước các hồ thủy điện ở Quảng Nam và lân cận; dự báo và đề xuất các giải pháp về phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai động đất cho các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh";…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, năm nay hạn hán rất khốc liệt, do đó đất đai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trong khi đó, dòng chảy từ thủy điện Sông Tranh 2 là nguồn nước chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân lưu vực sông Thu Bồn, nhưng năm nay thủy điện Sông Tranh 2 phát điện để về đích sớm, đến khi mùa kiệt không có nước, không đảm bảo nước để phục vụ cho người dân. Nếu tiếp tục nắng nóng khô hạn như thời gian qua kéo dài đến cuối tháng 8 thì khả năng mất mùa rất cao. "Đây là bài học nhưng cũng là trách nhiệm của các cơ quan liên quan làm sao có thể phối hợp tốt hơn, vừa đảm bảo an ninh năng lượng nhưng cũng đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng về quy trình vận hành hồ chứa"- ông Thanh đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho rằng nguồn nước ở các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh ngoài ảnh hưởng đến Quảng Nam còn ảnh hưởng rất lớn đến Đà Nẵng, Đà Nẵng cũng rất cần nước để phục vụ cho sinh hoạt, chính vì thế việc cân đối nguồn nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo yêu cầu cho các vùng hạ du rất khó khăn, cần sự hỗ trợ, chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. "Cần có giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán này chứ không thể để năm này rồi đến các năm sau cũng vậy. Theo tôi thứ nhất là tìm giải pháp tình thế trong năm nay, thứ hai là tính đến bài toán lâu dài hơn cho mùa kiệt trong những năm tiếp theo. Việc giải quyết được bài toán trong mùa kiệt nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn trong mùa lũ. Đó là vấn đề cần đoàn công tác chỉ đạo cho các bộ phận chức năng liên quan phối hợp với tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giải pháp xử lý, đảm bảo an ninh lương thực", ông Thanh nhấn mạnh.

Mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay thấp hơn mực nước chết.

Đối với những đảo cát mới hình thành ngoài khơi Cửa Đại, ông Thanh cũng kiến nghị đoàn công tác quan sát, nghiên cứu bằng những giải pháp khoa học hiện đại để có cái nhìn đa chiều, toàn diện về sự hình thành của đảo cát này, tìm ra giải pháp để ứng phó. Nếu đảo lớn hơn, bồi lấp đường ra vào của tàu bè thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy sớm nghiên cứu tìm ra giải pháp ứng phó sớm. Ngoài ra, trong mùa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở địa phương cũng diễn ra rất phức tạp, kéo dài. Trong khi nguồn kinh phí hạn chế nên không xử lý cơ bản được vấn đề. Do vậy ông Thanh kiến nghị T.Ư cần quan tâm hỗ trợ thêm về giải pháp kỹ thuật và kinh phí để có giải pháp căn cơ, hợp lý giải quyết được vấn đề phòng chống sạt lở nơi bờ sông, cửa biển...

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá cao những nỗ lực mà Quảng Nam đã đạt được trong những năm qua trong công tác PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông Hoài cũng đề nghị trong thời gian tới, Quảng Nam cần quan tâm tạo điều kiện bổ sung về nguồn nhân lực trong công tác PCTT, đồng thời tăng cường số lượng bản tin về phòng, chống thiên tai ở Đài PT-TH tỉnh, cũng như ở các đài truyền thanh huyện, xã; sử dụng Quỹ PCTT hợp lý, cụ thể, thiết thực; cần hoàn thiện bản đồ ngập lụt để nâng cao ứng dụng chuyên môn; nguyên cứu, nhìn lại những trận lũ lịch sử trong quá khứ để có cách chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại… Đối với các kiến nghị đề xuất của địa phương, Đoàn sẽ tiếp nhận, xem xét và giải quyết.

TRẦN TÂN