Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi rủi ro xảy ra

Thứ hai, 27/10/2014 12:42

(Cadn.com.vn) - Trình bày với Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Phúc (1968, trú P. Thạch Thang, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, do sự bất cẩn của ông Nguyễn Ngọc Tùng- chủ xưởng cơ khí Tùng Lớn (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã gây ra tai nạn làm ông mang thương tật suốt đời. Từ khi gặp nạn đến nay đã gần 1 năm, sức khỏe của ông Phúc giảm sút nhiều, gia cảnh càng thêm khó khăn trong khi đó chủ xưởng cơ khí Tùng Lớn có biểu hiện muốn “phủi tay” đối với người lao động.

Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 3-12-2013 tại xưởng cơ khí Tùng Lớn. Hôm đó, ông Phúc đang làm việc tại bộ phận máy kít ở độ cao khoảng 2m. Khi công việc chưa xong, ông Tùng tự ý bật cầu dao điện gây chạm điện làm nổ ống dầu và đập mạnh vào người ông Phúc ngã xuống đất gãy tay. “Sau 9 ngày nằm viện, tôi tiếp tục điều trị tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì cánh tay phải của tôi bị tàn phế từ nay về sau với tỷ lệ thương tích 41%. Muốn có cơ hội cải thiện cần phải phẫu thuật. Gia đình tôi nghèo không có điều kiện tiếp tục chữa trị, trong khi phía ông Tùng sau khi lo tiền chữa trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ xong đến nay thì không ngó ngàng gì đến tôi. Gia đình tôi đã nhiều lần đến gặp ông Tùng đề nghị xin trợ cấp để tiếp tục điều trị và tạm thời sinh sống nhưng không được chấp thuận...”,  ông Phúc nói.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Phúc là thợ tiện cơ khí ô-tô tại xưởng của ông Tùng từ năm 2007, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Do xưởng cơ khí của ông Tùng có quy mô nhỏ nên ông Phúc không được đóng các loại bảo hiểm; trong khi đó gia đình ông Phúc thuộc diện khó khăn, ông là lao động chính nên từ khi bị nạn đến nay, gia cảnh càng thêm khó khăn.

Ông Tùng chỉ vị trí ông Phúc làm việc và gặp nạn.

Trao đổi những vấn đề ông Phúc trình bày, chúng tôi được ông Tùng cho biết: Tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn và đã kịp thời đưa ông Phúc đi cấp cứu, lo trọn gói các chi phí chữa trị. Thậm chí còn lo cho người nhà chăm sóc ông Phúc tại bệnh viện rất chu đáo. “Tôi đã tạo điều kiện hết sức để ông Phúc chữa trị cũng như có những hỗ trợ hợp lý đối với hoàn cảnh của ông ấy. Tính đến nay, chúng tôi đã lo viện phí, bồi dưỡng thêm tổng cộng 31 triệu đồng. Thậm chí sau khi ông Phúc “làm khó” ra đến P. Hòa An giải quyết, con ông đến nhà tôi nói khó khăn tôi vẫn đưa 3 triệu đồng để về lo. Đối với ông Phúc, tôi vẫn luôn giúp đỡ, tạo điều kiện hết sức…”.

Do bất đồng trong khi giải quyết tiền hỗ trợ do tai nạn trong quá trình lao động giữa đôi bên nên ngày 22-3-2014, UBND P. Hòa An đã tổ chức hòa giải. Tại đây, ông Tùng thiện chí sẽ tiếp tục điều trị cho ông Phúc, sẽ đưa ông Phúc đến bệnh viện để mổ lại vết thương, khi nào ông Phúc có thể làm việc lại thì tiếp tục được bố trí công việc phù hợp, tạo điều kiện để ông Phúc có thu nhập. Không chỉ vậy, ông Tùng sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền điều trị và hàng tháng hỗ trợ thêm 2 triệu đồng trong thời gian ông Phúc chưa bình phục. Phía ông Phúc đưa ra yêu cầu ông Tùng phải bồi thường trọn gói là 100 triệu đồng nên sự việc đến nay vẫn còn “lùng bùng”.

Ông Phúc và vết thương trên tay do tai nạn lao động.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp... Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội. Tại khoản 3 điều luật đã dẫn còn quy định “Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…”.

Chiếu theo Luật Lao động, nhận thấy đối với trường hợp của ông Phúc, sau khi tai nạn và quá trình điều trị bệnh phía ông Tùng cũng đã có thiện chí. Tuy nhiên trong trường hợp này nếu để hài hòa, bên cạnh sự rạch ròi về tiền bạc cũng cần đến tình người với nhau. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của hai bên nên chăng cần ngồi lại bàn bạc để tìm ra cách giải quyết thấu tình đạt lý trước khi đưa nhau “đáo tụng đình”…

Phương Trang