Cần đẩy mạnh "xanh hóa" các lô đất trống
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua ở Đà Nẵng, tình trạng các lô đất bị bỏ hoang diễn ra khá phổ biến. Chủ của các lô đất trên có thể là chủ các dự án nếu là diện tích lớn, cũng có khi là các hộ cá thể với diện tích từ vài chục mét vuông đến khoảng 200 m2 trở lại. Việc các lô đất chưa sử dụng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Cỏ dại phát triển, một số người dân thiếu ý thức đem bỏ giá hạ, xà bần và rác vào những bãi đất hoang này, tạo chỗ trú cho chuột bọ, ruồi muỗi sinh sôi phát triển. Ngoài ra, những lô đất này còn là môi trường của các loại tệ nạn xã hội…
Trước tình trạng trên, từ năm 2011, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương về việc xử lý các lô đất chưa sử dụng. Theo đó, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường ra thông báo đối với chủ các lô đất này yêu cầu dọn dẹp, bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi, Sở sẽ đứng ra tổng vệ sinh các lô đất trống trên và kết hợp với các địa phương tạm thời sử dụng các lô đất này vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương.
Cỏ lau mọc kín một khu đấtvtrống của một dự án lớn trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng). |
Từ đó đến nay, tuy đã có những chuyển biến nhất định, một số chủ đất đã cho tiến hành dọn dẹp, rào lại khu đất của mình, xà bần, giá hạ được dọn đi... Tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng này vẫn chưa chấm dứt hẳn, đây đó đã có chiều hướng tái diễn. Trước tình trạng trên, tại một số khu dân cư, người dân đã tiến hành trồng rau, hoa màu tại những lô đất trên để tạo mỹ quan đô thị và có thêm thu nhập. Việc trồng rau, hoa ngắn ngày, những người có tuổi có thể đảm đương được, từ đó sẽ làm cho phố phường đẹp hơn, rau cũng "sạch" hơn vì không thể bón phân hay phun thuốc tại những khu vực như vậy…
Cũng nhân đây giới thiệu một hình thức "xanh hóa" những lô đất hoang ở Ireland, một quốc gia thuộc khối Liên hiệp Anh, tuy phát triển hơn nước ta rất nhiều nhưng lại có những nét tương đồng. Cụ thể, ở quốc gia này, người ta có sáng kiến vận động người cao tuổi, các đoàn thể, các tình nguyện viên, các tổ chức từ thiện…đăng ký nhận các khu đất trống trong các khu dân cư của đô thị (do chưa sử dụng hoặc do nhà đầu tư chưa có vốn xây dựng) để xây dựng thành các vườn rau sạch hoặc vườn hoa trong khu dân cư. Mô hình này đã biến các khu đất trống có nhiều rác thải, ảnh hưởng đến môi trường đô thị, nơi mà các đối tượng tệ nạn xã hội thường lợi dụng hoạt động thành những không gian xanh đẹp, vừa tạo cơ hội để số người cao tuổi còn sức khỏe tham gia lao động, vừa tạo ra sản phẩm rau sạch và hoa cho đô thị.
Từ cách làm ở Ireland, thấy rằng mô hình này nên được làm thí điểm tại Đà Nẵng, nòng cốt có thể là đoàn thể như Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh ở địa phương… Các giống rau, hoa, sử dụng nên chọn giống ngắn ngày, nếu chủ đất lấy lại đất để xây dựng thì có thể giao lại không lâu sau đó. Việc làm trên vừa giải quyết được lao động nhàn rỗi ở các khu dân cư, lại góp phần cho phố phường xanh hơn, đẹp hơn và có thêm nguồn thực phẩm sạch.
Thời điểm hiện nay, vẫn còn một số nhà đầu tư, chủ dự án khó khăn trong việc huy động vốn để triển khai công trình, dự án và cả một số hộ cá thể cũng vậy. Vì vậy tình trạng để trống đất có thể còn kéo dài, do đó, việc "xanh hóa" các lô đất trống thiết nghĩ, là một vấn đề cần được tính đến một cách nghiêm túc, cần được nghiên cứu và triển khai sớm, có thể làm thí điểm tại một số quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Dân Hùng