Cần đưa trẻ đi tiêm vaccine khi có điều kiện

Thứ tư, 30/07/2014 08:05

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản B xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong nước, nhiều phụ huynh trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đổ xô đưa con em mình đi tiêm ngừa.

Vì vậy, gần 1 tháng qua, tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng (TTYTDPTP) luôn trong tình trạng quá tải. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, TTYTDPTP tiêm chủng vaccine dịch vụ các loại cho 400 lượt người lớn và trẻ em, trong đó 50% là tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B.

Đầu giờ sáng 29-7, chúng tôi đến TTYTDPTP đã thấy hàng trăm người dân đã có mặt để đợi được bốc phiếu thứ tự. Khuôn viên TTYTDPTP vốn đã nhỏ càng chật chội hơn bởi người đến quá đông. Theo chị Nguyễn Thị Phương (trú Q. Sơn Trà, đang đợi đến lượt tiêm ngừa cho con trai 18 tháng tuổi) thì dù chị đến nơi lúc 6 giờ 30 nhưng phải bốc đến số thứ tự 150.

Anh Trần Văn Công (trú Q. Thanh Khê) vừa dỗ dành đứa con trai 20 tháng tuổi đang khóc, vừa tâm sự: "Trong thời gian qua nghe các cơ quan truyền thông thông tin tại nhiều tỉnh, thành trong nước xảy ra dịch viêm não Nhật Bản B, riêng Đà Nẵng có 10 ca nghi viêm não do virus, trong đó có 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản B nên tôi rất lo lắng. Hôm nay, tranh thủ xin phép cơ quan nghỉ được một buổi nên đưa cháu đến tiêm vaccine. Thế nhưng khi đến nơi thì số phiếu phát ra đã gần đến 200. Nếu chỉ chậm khoảng 5 phút nữa thì phải quay về đợi đến hôm sau rồi".

Trong thời gian gần đây, TTYTDPTP luôn trong tình trạng quá tải... 

Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh-Giám đốc TTYTDPTP Đà Nẵng sở dĩ có tình trạng quá tải tại TTYTDPTP là do người dân nghe thông tin từ các phương tiện truyền thông về tình hình viêm não virus đặc biệt là virus do viêm não Nhật Bản B đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh thành nên lo lắng cộng với sự thiếu hiểu biết của một số nhân viên y tế tại các đội y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế quận, huyện (TTYT) khiến người dân mất niềm tin ở tuyến dưới nên cứ đổ dồn về tuyến thành phố cho an toàn, từ đó mới dẫn đến quá tải.

Bác sỹ Thạnh cho biết: Hiện tại các đội y tế dự phòng thuộc TTYT quận, huyện trên địa bàn thành phố đều triển khai tiêm dịch vụ vaccine viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, qua khảo sát thì nhiều người dân cho rằng không yên tâm khi đưa con đến các điểm này.

Sở dĩ có tình trạng đó là do người dân cho rằng dưới đó tiêm ít nên vaccine để lâu và nhân viên y tế tại các đội y tế dự phòng quận, huyện kiến thức hạn chế nên khi người dân thắc mắc về các loại vaccine thì không thể giải thích rõ ràng, chắc chắn. "Thực tế tại các điểm y tế quận, huyện triển khai tiêm chủng đều được Sở Y phối hợp với TTYTDPTP tiến hành kiểm tra và rà soát theo quy trình của Bộ Y tế.

Toàn bộ cán bộ tham gia tiêm chủng tại TTYT quận, huyện đều được tập huấn, cơ sở thì được hướng dẫn một chiều, có phòng khám, có y bác sỹ khám sàng lọc và có người theo dõi sau tiêm. Tất cả các TTYT đều được trang bị dây chuyền lạnh đầy đủ để đảm bảo bảo quản tốt vaccine. Tuy nhiên, để người dân yên tâm đưa con em đến đây tiêm chủng thì điều đầu tiên là nhân viên y tế tại các đội y tế dự phòng quận, huyện cần nắm vững, trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân để tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ cho người dân, có như thế mới tạo được niềm tin cho nhân dân",  bác sỹ Thạnh nhấn mạnh

Theo ghi nhận của chúng tôi, do lượng người vượt tuyến đưa con đến tiêm ngừa tại TTYTDPTP đông nên không ít người "lỡ hẹn" trong ngày, không bốc được phiếu vì số phát ra đã vượt mức quy định nên tỏ rõ sự bức xúc, có lời nói xúc phạm đến nhân viên y tế tại đây. Trước tình hình đó, đích thân bác sỹ Thạnh phải xuống tận nơi ghế đợi và cổng để giải thích, tư vấn rõ ràng cho người dân hiểu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng cảm với sự khó khăn hiện tại của Trung tâm. Bác sỹ Thạnh tâm sự: Trong thời gian gần 1 tháng qua, cán bộ của TTYTDPTP từ tư vấn đến thu phí, trực tiếp tiêm ngừa đều làm với tốc độ cao, không ngơi tay. Mọi người đều phải làm tăng cường đến tận 20 giờ mỗi ngày, để chuẩn bị sẵn vaccine cho ngày hôm sau. Tuy nhiên, do cơ sở hẹp nên hiện tại TTYTDP chỉ có 4 bàn tiêm vaccine.

Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bàn chỉ tiêm 100 lượt/ngày. Chính vì vậy, mỗi ngày TTYTDPTP chỉ có thể đáp ứng 400 lượt chích, vừa để đảm bảo việc theo dõi cho mỗi trường hợp sau chích, vừa chỉ có lực lượng cán bộ y tế để phục vụ chừng ấy lượt. Nhưng nhiều phụ huynh đưa con đi, nhưng đến nơi thì nhận được thông báo hết số, thì phản ứng rất tiêu cực, họ thậm chí chửi mắng cả cán bộ y tế không thương tiếc.

... vì số lượng người đến tiêm chủng tăng đột biến.

Bác sỹ Thạnh khuyến cáo: "Hiện nay, tại các điểm tiêm vaccine dịch vụ được triển khai quanh năm. Chính vì vậy, khi người dân có đủ điều kiện (tuổi tiêm và kinh phí) thì đưa trẻ đi tiêm tự động, không nên đợi khi các cơ quan truyền thông đại chúng đưa thông tin có dịch bệnh chỗ này, chỗ nọ thì mới đổ xô đưa con đi tiêm. Điều đó vừa gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine, vừa gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng cũng như ảnh hưởng đến công việc của bản thân. Hiện tại vaccine viêm não Nhật Bản B đầy đủ nên người dân cứ yên tâm đưa con đi tiêm chủng. Từ tháng 9-2014 trở về sau, TP Đà Nẵng sẽ triển khai tiêm chủng miễn phí vaccine viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại các trạm xá y tế xã, phường và từ tháng 9-2014 đến tháng 2-2015, thành phố sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi - rubella miễn phí tại các trạm y tế xã phường cho trẻ từ 1-14 tuổi".

Cùng với việc đưa con đi tiêm ngừa viêm não Nhật Bản B, thì nhiều bậc phụ huynh cũng đưa con chích ngừa các loại vaccine dịch vụ khác như: Pentaxim (5 trong 1 - Pháp), Infanrix (6 trong 1 của Bỉ) nhưng hiện tại các loại vaccine này đang thiếu. Theo bác sỹ Thạnh thì đến tháng 9-2014, hai loại vaccine này mới có lại nhưng không nhiều nên khuyến cáo người dân yên tâm đưa con đến trạm y tế xã, phường tiêm loại vaccine 5 trong 1 theo chương trình quốc gia, không nên chờ tiêm vaccine dịch vụ sẽ có thể làm cho trẻ lỡ cơ hội tiêm đủ 3 mũi trong vòng 12 tháng đầu tiên.

Liên quan đến vấn đề tiêm chủng, bác sỹ Thạnh cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố tỉ lệ tiêm chủng viêm gian B sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt rất thấp. Các cơ sở điều trị có sinh cần phối hợp chặt chẽ với TTYTDP để triển khai tốt vấn đề tiêm chủng viêm gan B sơ sinh cho trẻ. Bởi khi được tiêm chủng, sẽ hạ thấp được tỉ lệ viêm gan B cho trẻ và cộng đồng sau này.

T.Dũng