VỤ 19 HỘ NUÔI TÔM TẠI P. HÒA HIỆP BẮC KHÔNG CHỊU TRẢ ĐẤT THUÊ:

Cần giải thích rõ về chính sách giải tỏa đền bù để người dân chấp hành đúng quy định pháp luật

Thứ bảy, 17/09/2016 11:00

(Cadn.com.vn) - Dư luận tại Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) hiện đang "nóng" lên vì chuyện 19 hộ dân ở tổ 73 (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu) hết hạn thuê đất nuôi trồng thủy sản hơn 10 năm nhưng cố tình chây ỳ, không chịu trả đất lại cho Nhà nước, gây khó khăn cho việc quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương...

Khu vực đất cho thuê nuôi tôm trước đây, hiện người dân chưa chịu hoàn trả cho Nhà nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1999 đến năm 2001, để phát triển kinh tế tại địa phương, UBND xã Hòa Hiệp (cũ) có chủ trương cho người dân các địa phương đến thuê đất ven biển vịnh Nam Ô để nuôi trồng thủy sản. Thời điểm đó, ông Trương Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, trực tiếp ký hợp đồng cho thuê đất với từng hộ dân, với giá 13.500 đồng/m2 và thời hạn thuê là 5 năm. Với chủ trương này, có 13 hộ dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào địa bàn xã Hòa Hiệp (cũ) thuê đất và 6 hộ khác nhận chuyển nhượng của những người đã thuê đất trước đây với tổng diện tích là 4.700,19m2 đất cát ven biển xây dựng trại sản xuất tôm sú giống.

Với hợp đồng đã ký kết, đến năm 2006 thời hạn cho thuê đất đã hết nhưng cũng từ đó đến nay số hộ thuê đất này vẫn chiếm dụng, tiếp tục sản xuất và không bàn giao đất cho bên cho thuê. Ngày 13-9-2016, làm việc cùng chúng tôi, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc, cho biết: Từ khi hết thời hạn thuê đất được ký kết với UBND xã Hòa Hiệp (cũ), các hộ dân này có đề nghị xin gia hạn hợp đồng nhưng không được đồng ý và từ đó đến nay UBND phường không thu tiền thuê đất. Ngày 25-5-2011, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 4400 phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư Đông Bắc cầu Nam Ô, trong đó khu vực 19 hộ dân thuê đất sản xuất tôm sú giống (thuộc tổ 73, P. Hòa Hiệp Bắc) nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa. Ngày 22-6-2015, UBND P. Hòa Hiệp Bắc đã thông báo, yêu cầu các hộ dân thuê đất xây dựng trang trại nuôi tôm tiến hành tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho địa phương trước ngày 30-9-2015. Tuy nhiên, 19 hộ dân này không đồng ý và gửi đơn kiến nghị đến UBND TPĐN yêu cầu được hưởng chế độ đền bù, hỗ trợ một cách thỏa đáng và bố trí nơi sản xuất mới, tạo công ăn, việc làm ổn định.

Những yêu cầu của 19 hộ dân thuê đất nuôi tôm có phù hợp với quy định của pháp luật về cho thuê đất, giải tỏa đền bù? Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc Trương Việt cho biết, UBND phường đã tổ chức nhiều cuộc họp, tổ chức đối thoại với 19 hộ dân và yêu cầu cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc thuê đất, nhận chuyển nhượng… để các cơ quan chức năng có phương án giải quyết thấu tình đạt lý đối với từng trường hợp. Tuy nhiên, 19 hộ dân này không cung cấp hồ sơ bằng cách đổ lỗi cho thiên tai nên các giấy tờ liên quan đến việc thuê đất bị thất lạc, hư hỏng. Đồng thời, họ tiếp tục đưa ra yêu cầu được thuê hoặc mua lại đất để tiếp tục sản xuất. Song, theo hợp đồng kinh tế được ký giữa UBND xã Hòa Hiệp (cũ) với các hộ thuê đất nuôi tôm giống: Thời hạn thuê đất là 5 năm; không có điều khoản nào buộc Nhà nước phải đền bù thỏa đáng và bố trí nơi sản xuất mới, tạo công ăn, việc làm ổn định cho các hộ thuê đất. Hơn nữa, tại điều 3 của hợp đồng này, quy định: Bên B (bên thuê đất) phải chấp hành mọi chủ trương chung; khi có kế hoạch phải tự giác tháo dỡ tài sản, trả lại mặt bằng cho địa phương. Ngoài ra, các cơ quan chức năng không chứng thực bất cứ loại giấy tờ nào cho phép các hộ dân này xây dựng công trình phục vụ dân sinh trên đất cho thuê. Căn cứ vào thời hạn cho thuê đất, mục đích sử dụng đất được thuê, cho thấy việc các hộ dân chỉ được phép xây hồ nuôi tôm, riêng công trình phục vụ mục đích dân sinh được xem là xây dựng trái phép nên yêu cầu được đền bù thỏa đáng... là không có cơ sở chấp nhận. 

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng tại P. Hòa Hiệp Bắc và Q. Liên Chiểu giải thích cho người dân hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định về giải tỏa, đền bù... để chấp hành nghiêm, đúng pháp luật.

M.T