Cần hơn 376 ngàn tỷ đồng để quản lý chất thải rắn tại Quảng Nam
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Đề án) do Sở TN&MT chủ trì lập, bao gồm chất thải rắn thông thường (sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng); chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải rắn y tế nguy hại, chất thải rắn nông nghiệp nguy hại và chất thải rắn hoạt động xây dựng, bùn nạo vét (phân bùn bể tự hoại, bùn thải thoát nước).
Mục tiêu tổng quát đến năm 2022 mỗi huyện/thị/thành phố phải hình thành mặt bằng sạch ít nhất 1 khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý chất thải trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025 có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 95% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường... Định hướng đến năm 2030, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 95% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý.
Kinh phí thực hiện giai đoạn đến 2025 là 375.467 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 1.079,984 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ODA, tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư, các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.
TH. HÀ