Cần hướng các giá trị di sản đến với giới trẻ

Thứ hai, 13/06/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-6, UBND tỉnh TT-Huế tổ chức lễ công bố Di sản tư liệu (DSTL) thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Ngay sau lễ công bố, các nhà khoa học đã tham gia buổi tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị DSTL này.

Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Các bài thơ được trang trí theo lối "nhất thi nhất họa" hoặc "nhất tự nhất họa", mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là sản phẩm trí tuệ của các vị hoàng đế triều Nguyễn, được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ, tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo...

Thơ văn được khảm cẩn trên gỗ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Như vậy, với việc thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận lần này, Huế đã có 5 di sản được UNESCO công nhận. Trước đó, quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn và châu bản triều Nguyễn cũng đã được UNESCO vinh danh. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng TT-Huế trong các nỗ lực bảo tồn, quản lý, quảng bá và phát huy giá trị các di sản của Việt Nam, khu vực và thế giới đang hiện hữu tại Huế.

Bà Vize Susan, quyền Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội nhận xét, DSTL thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí độc đáo về lịch sử của dân tộc Việt Nam. "Trải qua 150 năm phát triển về chính trị, xã hội và văn hóa dưới dạng các áng thơ tuyệt tác được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên gỗ, tường... khảm, sơn son thếp vàng và những hình thức trang trí khác; thật sự là "chỉ duy nhất" tìm thấy ở Việt Nam tại cung đình Huế với những chất liệu và vẻ đẹp không gì so sánh được..."- bà Vize Susan nói. Tương tự, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn, nhất là cốt gỗ và quan điểm về tu bổ hiện vật mang ký tự phải được xem như là cổ vật hay di tích động sản.

Theo ông Phan Thanh Hải, DSTL Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được vinh danh sẽ là nhiệm vụ và thách thức lớn dành cho chính quyền và nhân dân TT-Huế. Đó là định hướng về chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị DSTL này cùng với các di sản văn hóa đã được công nhận một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế. TS. Vũ Thị Minh Hương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình Ký ức thế giới Việt Nam cho rằng, hơn lúc nào hết Huế cần phải hướng các giá trị di sản đến với giới trẻ, tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc...

H.Lan