TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Cần làm gì khi chủ nợ của con đến làm phiền, gây rối cha mẹ?

Thứ hai, 20/02/2023 10:14
Bạn đọc hỏi: ông Phước ở Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), hỏi: Con trai tôi năm nay 28 tuổi, sống chung nhà với vợ chồng tôi, không có tài sản riêng. Do kinh doanh khó khăn dẫn đến thiếu vốn nên con trai tôi có vay của ông Hùng 2 tỷ đồng để giải quyết công nợ. Sau đó, kinh doanh ngày càng thua lỗ nên con tôi chưa có điều kiện trả nợ cho ông Hùng. Vì ông Hùng liên tục đến uy hiếp và phá công việc làm ăn nên con tôi không chịu nổi áp lực phải bỏ nhà đi. Từ khi không liên hệ được con trai tôi nên ông Hùng cùng với một số thành phần bất hảo liên tục đến nhà tôi và khu phố nơi tôi ở chửi bới, hăm dọa, uy hiếp gia đình tôi; đôi khi là vào trong nhà của tôi để quấy rối, quậy phá, gây sức ép để buộc tôi trả nợ thay cho con trai tôi, làm gia đình tôi hoang mang, lo sợ, sa sút sức khỏe tinh thần và ảnh hưởng hàng xóm láng giềng. Chuyện nợ nần của con trai tôi, tôi hoàn toàn không biết. Cho tôi hỏi tôi có nghĩa vụ trả nợ thay con trai tôi không? Việc làm của ông Hùng có vi phạm pháp luật hay không?; Tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình mình?

Luật sư Đặng Văn Vương.
Luật sư Đặng Văn Vương.

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Ông Phước có nghĩa vụ trả nợ thay con trai ông hay không?

Việc con trai ông vay tiền của ông Hùng là thỏa thuận vay tài sản, quan hệ dân sự giữa hai cá nhân. Con trai ông đã là người thành niên (trên 18 tuổi), có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Bộ luật dân sự thì con trai ông tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các giao dịch do mình xác lập, cụ thể là tự chịu trách nhiệm trả nợ cho ông Hùng theo thỏa thuận vay tài sản. Bản thân ông không có nghĩa vụ phải trả nợ cho ông Hùng thay con trai ông, trừ trường hợp ông đứng ra bảo lãnh khoản vay của con trai ông với ông Hùng theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự.

Điều 335. Bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có

quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay

cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ông Hùng cùng một số thành phần bất hảo đến quấy rối khu phố nơi ông ở và vào nhà ông chửi bới, gây sức ép yêu cầu trả nợ thì có vi phạm pháp luật hay không?

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và chỗ ở là những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp của nước ta. Theo Điều 20 Hiến pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Điều 22 Hiến pháp còn quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.”

Do đó, việc ông Hùng cùng một số thành phần bất hảo đến khu phố ông sinh sống, hoặc vào nhà ông náo loạn, chửi bới, đập phá, đe dọa gia đình ông để gây sức ép buộc ông trả nợ thay con trai ông là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền cơ bản về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và chỗ ở của gia đình ông mà pháp luật bảo vệ. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả của các hành vi vi phạm trên, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Sau đây một số tội danh theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 liên quan đến hành vi vi phạm của các đối tượng trên:

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;”.

Biện pháp bảo vệ cho bản thân và gia đình ông

Theo những quy định và lập luận nêu trên, ông không có nghĩa vụ trả tiền nợ thay con trai của ông và hành vi của ông Hùng là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Để bảo vệ bản thân và gia đình, ông nên thực hiện các bước như dưới đây.

Bước 1: Thông báo rõ ràng với ông Hùng về việc con ông không còn ở nhà ông;

việc vay nợ giữa con ông và ông Hùng không liên quan gì đến ông; đề nghị ông Hùng không được làm phiền đến cuộc sống của ông và gia đình nữa.

Bước 2: Nếu ông Hùng và nhóm người bất hảo vẫn tiếp tục đến làm phiền, gây

rối, chửi bới, gây sức ép, đe dọa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ông thì ông cần ghi lại bằng chứng (hình ảnh, video, ghi âm…) hành vi vi phạm của ông Hùng. Lưu ý giữ khoảng cách an toàn, không nên đôi co, xô xát với các đối tượng trên để tự bảo vệ an toàn sức khỏe tính mạng bản thân, tránh hậu quả đáng tiếc.

Bước 3: Gọi báo ngay Công an phường nơi ông đang sinh sống và số đường dây

nóng Công An thành phố Đà Nẵng (113) để đề nghị công an can thiệp giải quyết và lập biên bản sự việc. Trường hợp các đối tượng trên bỏ đi khi biết ông báo công an thì khi công an đến làm việc, ông vẫn nên trình báo toàn bộ sự việc, cung cấp các bằng chứng (hình ảnh, video, ghi âm…) hành vi vi phạm và đề nghị cơ quan công an lập văn bản trình báo hoặc đơn tố giác tội phạm để tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.

Bước 4: Nếu ông đã trình báo và gửi đầy đủ chứng cứ về hành vi vi phạm của

ông Hùng đến Công an phường yêu cầu giải quyết nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng theo quy định của pháp luật thì ông có thể khiếu nại hoặc gửi đơn tố cáo tội phạm gửi đến Công an cấp quận để yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, để đảm bảo cuộc sống được tiếp diễn bình thường, ông nên lắp đặt một số camera tại các vị trí trong và trước nhà nhằm ghi lại hình ảnh ông Hùng gây rối, gây áp lực hoặc ghi lại những hành vi vi phạm pháp luật khác làm ảnh hưởng đến ông để sau này có căn cứ tố cáo.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425