TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Ranh giới tự nhiên đã tồn tại hơn 30 năm có được pháp luật công nhận hay không?

Thứ bảy, 19/07/2025 14:36

*Bạn đọc hỏi: ông Quân, cư trú tại xã Hòa Vang (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi đang có nhu cầu tách thửa để chuyển nhượng một phần thửa đất của tôi. Trong quá trình làm thủ tục thì chủ của thửa đất liền kề cũng làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN). Cả 2 thửa đất đều khai hoang cùng thời điểm, sử dụng từ trước năm 1993 và đã được cấp GCN. Trong quá trình đo đạc để làm thủ tục thì thửa đất liền kề thiếu 150m2 đất so với GCN. Chủ đất liền kề cho rằng tôi đã lấn chiếm phần đất này. Tuy nhiên, kết quả đo đạc của tôi thì diện tích sử dụng thực tế không thay đổi so với diện tích được cấp GCN. Hơn nữa, 2 thửa đất có hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà do tôi trồng làm ranh giới tự nhiên giữa 2 thửa đất cách đây hơn 30 năm. Tôi đã chặt 2 cây Bạc Hà lấy gỗ làm nhà và hiện còn gốc cây. Việc này những người lớn tuổi, sinh sống lâu năm ở địa phương đều biết. Hiện hai bên đang tranh chấp và tạm dừng các thủ tục liên quan. Vậy, ranh giới tự nhiên ngoài thực địa là hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà giữa 2 thửa đất ày có được pháp luật công nhận hay không?

Luật sư Dương Thị Ngọc Trâm
Luật sư Dương Thị Ngọc Trâm

*Luật sư Dương Thị Ngọc Trâm – Văn phòng Luật sư Phong & Partners trả lời:

Vụ việc tranh chấp ranh giới của ông Quân hiện rất phổ biến. Ngày xưa, đất nước còn khó khăn, người dân sống với nhau bằng tình cảm. Các mốc giới, ranh giới chủ yếu được làm, hình thành từ cây trồng lâu năm, bờ mương, rãnh… Đồng thời, thời điểm đó, việc đo đạc chủ yếu bằng thước dây, ước chừng nên số liệu chưa được chuẩn xác. Sau hơn 30 năm, tình hình kinh tế đất nước thay đổi, giá trị đất tăng hàng chục lần, người dân ai cũng có nhu cầu cấp đổi GCN, làm thủ tục tách thửa để tặng cho con hoặc bán để lấy tiền cho con làm của hồi môn, an dưỡng tuổi già… Trong quá trình làm thủ tục, đa số diện tích đất của người dân đều có sự thay đổi tăng, giảm; mốc giới, ranh giới do cố ý hoặc vô ý cũng có sự thay đổi. Vì vậy, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mốc giới, ranh giới khi làm thủ tục hành chính hoặc giải quyết tranh chấp.

Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp...”.

Theo đó, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Thứ nhất, ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp

Về điều kiện ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên: Ranh giới này có thể là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng, cây cối được một bên hoặc các bên cùng trồng, đào… để làm ranh giới giữa các thửa đất và được các bên thỏa thuận, xác định làm ranh giới giữa các thửa đất, sử dụng ổn định, liên tục và tồn tại từ 30 năm trở lên.

Về điều kiện ranh giới không có tranh chấp: Việc xác định ranh giới có tranh chấp hay không theo quy định này được hiểu là trong thời gian tồn tại tối thiểu 30 năm, các bên sử dụng ranh giới này ổn định, liên tục và không phát sinh tranh chấp.

Theo ông Quân trình bày, giữa thửa đất của ông Quân và thửa đất liền kề có hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà do ông Quân trồng cách đây hơn 30 năm để làm ranh giới giữa 2 thửa đất. Ranh giới này được hai bên sử dụng ổn định, liên tục không phát sinh tranh chấp với nhau từ khi bắt đầu sử dụng đất cho đến nay đã hơn 30 năm.

Hơn nữa, tại thời điểm đo đạc để cấp đổi GCN, chủ thửa đất liền kề cũng xác định ranh giới theo ranh giới ngoài thực địa là hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà. Sau khi có kết quả đo đạc, nhận thấy thửa đất của mình thiếu diện tích mới phát sinh tranh chấp. Từ đó cho thấy, trước khi có kết quả đo đạc thì chủ thửa đất liền kề cũng công nhận hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà là ranh giới ngoài thực địa của 2 thửa đất.

Do vậy, có cơ sở để xác định hàng cây Duối và 2 gốc Bạc Hà là ranh giới ngoài thực địa do ông Quân trồng là ranh giới đã tồn tại hơn 30 năm, không có tranh chấp, phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ranh giới này là một trong các đường ranh giới được pháp luật công nhận để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xác định ranh giới giữa 2 thửa đất khi làm thủ tục hoặc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, ông Quân cần liên hệ với thôn trưởng, cán bộ địa chính, những người sinh sống lâu năm… biết rõ quá trình sử dụng đất, tồn tại của ranh giới ngoài thực địa nêu trên để lấy ý kiến xác nhận nhằm củng cố hồ sơ.

Thứ hai, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nội dung câu hỏi của ông Quân không đề cập về phần ranh giới khác, tuy nhiên khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Ranh giới giữa các thửa đất còn được xác định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”

Đồng thời, theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 thì GCN là quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp cho các thửa đất. Do vậy, ranh giới được đo vẽ và thể hiện tại GCN là ranh giới giữa các thửa đất được pháp luật công nhận.

Ông Quân và chủ thửa đất liền kề có thể liên hệ cơ quan có thẩm quyền để sao lục hồ sơ đo đạc, tọa độ mốc giới, ranh giới của 2 thửa đất này tại thời điểm cấp GCN. Sau khi có tọa độ, hai bên cùng phối hợp để mời đơn vị đo đạc đến định vị lại mốc giới, ranh giới giữa 2 thửa đất.

Trường hợp sau khi tiến hành đo đạc, định vị, hai bên vẫn không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp xã để tiến hành hòa giải. Nếu không hòa giải được thì các bên khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật. Trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ, lời khai của những người làm chứng, người sinh sống lâu năm tại địa phương và hiện trạng của 2 thửa đất nói trên, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định ranh giới tự nhiên ngoài thực địa hoặc ranh giới được ghi nhận tại quyết định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425

Hàng loạt dự án bất động sản lớn ở Đà Nẵng được miễn giấy phép xây dựng

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa có văn bản số 641/SXD-CPXD thông báo về việc miễn giấy phép xây dựng và công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy định pháp luật. Trong đó, trong đó có hàng loạt dự án đình đám ở Đà Nẵng đáp ứng điều kiện.

Hàng xóm không ký giáp ranh có làm được sổ đỏ không?

*Bạn đọc hỏi: anh Nguyễn Lương H. hỏi: Gia đình tôi có sở hữu một căn nhà 180m2 tại phường Vĩnh Điện (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Căn nhà này được ba mẹ tôi mua từ năm 1998 và đã được cấp sổ đỏ. Năm 2011, ba mẹ tôi có tặng cho em trai tôi 70m2 và đã thực hiện đăng ký biến động, diện tích căn nhà còn lại là 110m2.

Ngang nhiên chiếm đất người khác còn “nhốt” nhiều cán bộ địa phương cùng chủ đất

Ngang nhiên chiếm dụng đất và tài sản trên đất của ông Đ.B.K., thế nhưng khi ông K. khiếu nại và nhờ cơ quan chức năng địa phương đến hiện trường để giải quyết thì vợ chồng bà Tâm khóa trái cổng, “nhốt” ông K. cùng 2 cán bộ Công an phường và 1 cán bộ tổ dân phố trong nhiều giờ.