Cần làm rõ việc thủy điện Sông Bung 2 đội vốn hơn 1.600 tỷ đồng
Bài 1: Hơn 5.200 tỷ đồng cho thủy điện công suất 100MW
(Cadn.com.vn) - Tháng 12-2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã tổ chức Lễ khởi công công trình thủy điện Sông Bung 2 (TĐSB 2) tại H. Nam Giang, Quảng Nam. Theo quyết định phê duyệt dự án, TĐSB 2 do EVN làm chủ đầu tư có công suất lắp đặt 100MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hằng năm 425,5 triệu kWh và tổng mức đầu tư là 3.661 tỷ đồng. Thế nhưng đến tháng 5-2016 vừa qua, chủ đầu tư dự án này đã điều chỉnh phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm này, ngoài chậm trễ tiến độ dự án hơn 1 năm, công trình này đã nâng mức đầu tư tổng cộng lên hơn 5.200 tỷ đồng. Trước sự việc trên, nhiều người cho rằng có sự khuất tất trong quá trình điều chỉnh nguồn vốn (gần 40%). Còn các chuyên gia cho rằng suất đầu tư quá lớn của dự án thủy điện như vậy không thể chấp nhận được. Cuối cùng, chịu thiệt sẽ là người dân.
Theo Quyết định phê duyệt số 99/QĐ-EVN do ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVN, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 TĐSB 2 với giá trị hơn 5.239 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng trên 3.000 tỷ đồng, chi phí thiết bị trên 761 tỷ đồng, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng hơn 25 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án gần 94 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 244 tỷ đồng, chi phí khác hơn 715 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 345 tỷ đồng. Theo quyết định này, EVN cũng yêu cầu Tổng Cty phát điện 2, BQL dự án TĐSB 2 tính toán hợp lý, hợp pháp của các chi phí phát sinh trong tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án, thanh quyết toán theo đúng quy định; làm việc với Cty bảo hiểm Toàn Cầu về trách nhiệm bảo hiểm cho công trình theo đúng quy định...
Bờ tràn đập chính Thủy điện Sông Bung 2 vẫn đang được xây dựng. |
Lý giải cho việc điều chỉnh TMĐT lần 2 của dự án TĐSB 2 lên hàng nghìn tỷ đồng trên, tại Báo cáo bổ sung số 1643/BC-EVN do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký gửi cho Hội đồng thành viên EVN, thì nguyên nhân đội vốn lên hơn 1.600 tỷ đồng là do: Dự án đầu tư TĐSB 2 được phê duyệt quyết định đầu tư năm 2007 (QĐ417-EVN-HĐQT) nhưng đến năm 2009 mới có nguồn vốn và thời gian từ khi dự án được phê duyệt đến khi thực hiện đầu tư bị kéo dài do có nhiều thay đổi nên phải điều chỉnh lại TMĐT tại Quyết định số 649/QĐ-EVN ngày 21-12-2009. Bên cạnh đó, tiến độ thi công cũng một phần làm đội vốn vì quyết định đầu tư được phê duyệt là 4,5 năm. Khởi công năm 2009, hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, tháng 3-2010 mới ký được hợp đồng vay vốn. Dự án TĐSB 2 có địa chất rất phức tạp, khi thi công mở móng, địa chất nền móng xấu phải xử lý như: Chân đập, hố móng, các mái đào đập dâng, đập tràn, nhà máy, các đứt gẫy, nước ngầm trong hầm, sạt trượt do cơn bão số 10 năm 2013.
Đại diện lãnh đạo EVN cũng thừa nhận dự án đội vốn lên hơn 1.600 tỷ đồng do năng lực nhà thầu yếu kém: “Dự án được thực hiện theo cơ chế 797-400 của Chính phủ nhưng theo mô hình không có tổng thầu, theo mô hình Ban quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực (trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã phải bổ sung, thay nhà thầu thi công đào hầm). Ban quản lý dự án TĐSB 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều chỉnh thi công xây dựng”, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN lý giải trong quyết định điều chỉnh TMĐT.
Giải thích với P.V về nguyên nhân điều chỉnh TMĐT trên, ông Vương Thành Chung – Phó Giám đốc phụ trách BQL dự án TĐSB 2 cho rằng, lý do tăng vốn là do các biến động về chính sách tiền lương, giá cả thị trường, thay đổi tỷ giá, thay đổi điều kiện địa chất - thủy văn và thay đổi do chuẩn xác khối lượng. Ông Chung cũng cho rằng, TMĐT sau khi điều chỉnh có tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay là 0,05USD/kWh (tương đương 1.060VND/kWh), đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã hội.
Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ về hiệu quả của dự án sẽ như thế nào khi TMĐT tăng, cũng như trách nhiệm thuộc về ai khi để TMĐT tăng? Việc tăng vốn sẽ được tính vào giá điện? Cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu thì có hợp lý không? Đặc biệt, trách nhiệm của bảo hiểm ở đâu trong việc điều chỉnh TMĐT này? Vì hầu hết việc tăng TMĐT là do lỗi địa chất và sạt trượt. Với sạt trượt thì bảo hiểm phải có trách nhiệm đền theo hợp đồng, nhưng ở đây EVN lúc này dường như đã loại trừ trách nhiệm của bảo hiểm...
(còn nữa)
Bão Bình