Góp ý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi):

Cần lấy ý kiến người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch

Thứ hai, 07/04/2014 12:39

(Cadn.com.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 4-4, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Hội nghị do đồng chí Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì với sự tham dự của đại biểu (ĐB) các ngành liên quan.

Các ĐB góp ý dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

Dự án Luật Xây dựng sửa đổi gồm 10 chương, 169 điều, quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tại hội nghị, ý kiến đa số các ĐB tán thành về phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động đầu tư xây dựng nhưng cần thể hiện gọn hơn. Mục đích hoạt động đầu tư xây dựng nhằm  tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng, quá trình này liên quan đến việc cấp vốn, quản lý, sử dụng vốn và thực hiện các hoạt động xây dựng như: khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, bảo hành công trình...

Về quy hoạch xây dựng, phần lớn ý kiến ĐB  đồng ý với việc cần quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật nhằm kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành, tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch xây dựng vùng và khu chức năng đặc thù thì  thời hạn quy hoạch từ 20 năm đến 25 năm, quy hoạch xây dựng vùng tầm nhìn đến 50 năm như dự thảo Luật là phù hợp. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, nhất là việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của họ.

Góp ý chương III của dự thảo về dự án đầu tư xây dựng, có ý kiến cho rằng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng của các dự án có nguồn vốn khác nhau có thể dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ, tuy nhiên nhiều ý kiến khác lại cho là cần thiết nhằm xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố quyết định tính khả thi, hiệu quả của dự án ở giai đoạn chuẩn  bị đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, mất an toàn cho cộng đồng.

Về giấy phép xây dựng, nhiều ĐB đề nghị cần quy định  cụ thể và khả thi hơn, trường hợp nào không cần giấy phép xây dựng, nhất là ở địa bàn nông thôn. Về hợp đồng xây dựng, có ý kiến đề nghị  quy định về hợp đồng theo hình thức giá trong dự thảo Luật và nên thống nhất với quy định về hợp đồng của Luật Đấu thầu. Về quy định thưởng, phạt hợp đồng, ý kiến các ĐB đều nhất trí bỏ quy định về mức tối đa là 12% giá trị hợp đồng mà việc thưởng, phạt hợp đồng xây dựng do các bên thỏa thuận. Về bảo hiểm xây dựng, nhiều ĐB đề nghị  không nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng như điều 9 của dự thảo mà nên khuyến khách chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn xây dựng và nhà thầu thi công xây dựng mua các loại bảo hiểm.

Ngoài ra, một số ĐB còn góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản; đề nghị hủy bỏ một số quy định trùng lặp giữa các điều, khoản hoặc bổ sung các nội dung mà trong thực tế hoạt động đầu tư xây dựng cần được điều chỉnh. Ý kiến của các ĐB đã được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, tập hợp, báo cáo UBTVQH trước kỳ họp.

M.Hằng