Cần minh bạch trong tuyển dụng giáo viên
(Cadn.com.vn) - Nhiều năm qua, dư luận râm ran về việc sinh viên sư phạm ra trường muốn xin được việc phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Sự dôi dư giáo viên (GV) quá nhiều; sự đỗ, trượt khó hiểu trong các kỳ thi tuyển dụng GV khiến cho người ta tin dư luận là hoàn toàn có cơ sở.
Tiến sĩ cũng trượt công chức
Năm 2014, trong kỳ thi tuyển công chức ngành giáo dục của TP Hà Nội xảy ra một sự kiện gây "chấn động", đó là việc Tiến sĩ vật lý tốt nghiệp ở Pháp, đang giảng dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, là thầy của nhiều học sinh được giải trong kỳ thi trong nước, khu vực và quốc tế nhưng lại trượt trong kỳ thi tuyển công chức. Sau đó, nhà chức trách đã đưa ra nhiều lý do, nhưng dù giải thích thế nào thì cũng khó mà xóa tan được sự hoài nghi của dư luận!
Trong khi tiến sĩ trượt thì người học hành làng nhàng lại thi đỗ. Điều đáng nói trong số đó có những người có quan hệ họ hàng, anh em con cháu với quan chức hoặc là con của gia đình có điều kiện..., càng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về sự công bằng. Không có lửa làm sao có khói? Tại những địa phương tuyển dôi dư GV luôn có dư luận về việc "chạy" công chức hết hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nếu có sự công bằng tại sao lại có những sai phạm như ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Yên Bình (Yên Bái), Yên Phong (Bắc Ninh), Bá Thước (Thanh Hóa)... khi tuyển dôi dư hàng trăm GV khiến họ luôn sống trong sợ hãi với nỗi lo mất việc triền miên?
Sự dôi dư mang tính sai phạm đó là do năng lực quy hoạch yếu kém hay do nhận tiền của "ứng viên" rồi nên cho đỗ, là "vét cho đầy túi" rồi tìm cách hạ cánh an toàn? Các nơi xảy ra sai phạm đều đã giải thích, đều rút kinh nghiệm, và dư luận đều hiểu tuyển dụng GV có nhiều kẽ hở và nhiều sự mù mờ khiến nhiều người giỏi không có cơ hội đứng trên bục giảng, làm chất lượng GV giảm sút, gây nhiều hệ lụy cho ngành Giáo dục!
Không phải sinh viên sư phạm giỏi nào cũng được gắn bó với nghề giáo viên do khâu thi tuyển (ảnh minh họa). |
Cần minh bạch trong tuyển dụng
Để có được sự công bằng, tuyển được GV chất lượng cần minh bạch trong tuyển dụng. Theo Quyết định số 62/2007 của Bộ GD-ĐT và Nghị định 29/2012 của Chính phủ, việc tuyển dụng GV phổ thông được thực hiện theo hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Việc lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền quản lý GV hoặc đơn vị được giao quyền tuyển dụng GV quyết định. Hiện nay, phần lớn đều chọn hình thức thi tuyển.
Một GV từng trải qua 2 lần thi tuyển viên chức, lần đầu bị trượt và sau đó được "rút kinh nghiệm" nên đã đỗ trong lần 2, chia sẻ: "Việc thi tuyển nói rằng minh bạch nhưng thực ra có rất nhiều kẽ hở. Ví dụ, trong vòng phỏng vấn, có 3 người trong hội đồng sát hạch nhưng không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế nào..., cho nên nhiều trường hợp trượt mà không biết vì sao mình trượt là vì thế".
Theo GV này, cách tuyển dụng như hiện nay chưa thực sự chọn được người giỏi nghề và còn phụ thuộc vào chủ quan của người được giao nhiệm vụ ở hội đồng tuyển dụng. Người ngồi ở hội đồng tuyển dụng muốn đánh trượt ai không khó vì họ sẽ chủ động đưa ra hàng rào đánh đố thí sinh với câu hỏi khó...
Vì vậy, để đảm bảo công bằng, đối với hình thức thực hành và phỏng vấn thì phải ghi âm ghi hình để khi có ý kiến thắc mắc sẽ tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo khách quan, công khai, rõ ràng trong các bước xét tuyển. Khi có sự "giám sát" từ camera thì giám khảo chắc chắn phải làm việc công tâm, người giỏi sẽ không bị gạt ra rìa một cách oan uổng!
Bài học từ Đà Nẵng
Tuy có quy định cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên nhưng mỗi nơi làm một phách. Có nơi sử dụng hình thức xét tuyển, có nơi thi tuyển, có nơi hợp đồng sau đó hợp thức hóa bằng xét hoặc thi. Có nơi do phòng Nội vụ tuyển. Có nơi do Sở, phòng giáo dục tuyển. Có nơi giao quyền cho hiệu trưởng nhà trường...
Điều này tạo nên những "lỗ hổng", từ đây mới có sai phạm như ở H. Yên Phong (Bắc Ninh), H. Kỳ Anh (Hà Tĩnh), H. Bá Thước (Thanh Hóa)... khiến hàng trăm GV khóc đứng khóc ngồi vì bị cắt hợp đồng. Trong khi đó, ở nhiều địa phương lại để "lỗ hổng" cho người không đủ năng lực chen vào, làm chất lượng GV giảm sút, gây nhiều hệ lụy cho ngành Giáo dục.
Tại Đà Nẵng, nhiều năm nay, Sở GD-ĐT có nhiều quyết sách táo bạo, tạo được "cú hích" cho lĩnh vực giáo dục như thi tuyển chức danh lãnh đạo, đặc biệt là chính sách tuyển dụng GV công khai, minh bạch bằng hình thức thi tuyển. Minh chứng là tháng 8-2015, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức kỳ thi tuyển lấy 144 GV THPT dành cho nhiều đối tượng gồm GV hợp đồng, sinh viên nội tỉnh và sinh viên giỏi ngoại tỉnh. Kỳ thi này được tổ chức công khai, công bằng và minh bạch nên có đến 76 sinh viên trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 52,8% . Vì thế, đây là kỳ thi được dư luận xã hội đánh giá cao khi người giỏi không bị gạt ra rìa.
Mong rằng ngành Giáo dục sớm bịt các "lỗ hổng" trong tuyển dụng giáo viên, rút bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng để "rộng cửa đón nhân tài", làm đòn bẩy cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Hoài Thuận