Cân não bàn đàm phán tháo ngòi nổ Nga – Ukraine

Thứ ba, 01/03/2022 07:24

Ngày 28-2, đàm phán giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov (thứ hai bên trái) đến tham gia cuộc đàm phán Ukraine - Nga tại Belarus ngày 28-2. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, cho biết đàm phán đã bắt đầu. Theo thông báo trước đó của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phái đoàn Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng leksii Reznikov, ông Podolyak và một thứ trưởng ngoại giao. Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng cho biết nội dung quan trọng của cuộc đàm phán là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi Ukraine.

Về phía Nga, trưởng đoàn đàm phán là ông Vladimir Medinsky, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kỳ vọng của Tổng thống Ukraine

Phái đoàn của Nga đã tới Belarus từ sáng 27-2 với kế hoạch ban đầu là đàm phán tại Minsk, nhưng phía Ukraine đã từ chối phương án này và đề xuất các địa điểm khác làm nơi diễn ra đàm phán.

Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine đồng ý đàm phán với Nga tại khu vực Gomel ở biên giới giữa Belarus và Ukraine mà không bao gồm điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, sáng 28-2 (giờ địa phương), phái đoàn của Ukraine đặt chân đến Belarus để chuẩn bị cho cuộc hội đàm đang được quan tâm nhất hiện nay nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các nguồn tin cho biết, phái đoàn của Ukraine đã di chuyển qua Ba Lan để đến Belarus thay vì di chuyển trực tiếp từ Ukraine sang nước láng giềng này.

Trước đó, ông Fedir Venislavsk, một quan chức tại Tòa Hiến pháp Ukraine, cho biết do vấn đề an ninh, lộ trình của đoàn đàm phán Ukraine đã được thay đổi. Nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho phái đoàn, họ chọn một lộ trình khác. Vào thời điểm ông Venislavsky nói, không có thông tin về vị trí của phái đoàn Ukraine. Ông Venislavsky không tiết lộ thành phần phái đoàn của Ukraine, song cho biết phía Belarus sẽ đóng vai trò là quan sát viên hoặc tư cách khác trong cuộc hội đàm giữa Ukraine và Nga dự kiến diễn ra tại Gomel.

Trước thềm đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông "không tin vào kết quả của cuộc gặp" sắp tới giữa 2 phái đoàn Nga - Ukraine.

"Nhưng hãy cố gắng, để không công dân Ukraine nào nghi ngờ rằng tôi, với tư cách là tổng thống, đã không cố gắng chấm dứt chiến tranh khi có cơ hội", ông Zelensky nói thêm. "Khi phái đoàn của chúng tôi tới đó, tổng thống, tổng tham mưu trưởng, thủ tướng, quân đội và tổng tư lệnh vẫn ở đây. Tất cả chúng tôi sẽ bảo vệ nhà nước và biên giới của mình", Tổng thống Zelensky cho biết.

Theo kế hoạch ban đầu, đáng lẽ hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 27-2. Tuy nhiên, do bất đồng về địa điểm tổ chức đàm phán, phía Ukraine đến phút chót mới đồng ý đàm phán với Nga trên lãnh thổ Belarus. Do cần sự chuẩn bị về công tác hậu cần, cuộc họp được dời sang ngày 28-2.

 Xác của một tên lửa rơi trên đường phố tại khu vực Donetsk do phe ly khai kiểm soát ở Đông Ukraine. Ảnh: Reuters 

Nga tuyên bố kiểm soát toàn bộ không phận Ukraine

Cuộc đàm phán diễn ra sau 4 ngày kể từ khi Nga mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Nga hiện cho biết đã kiểm soát toàn bộ không phận của Ukraine. Sputnik ngày 2802 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, không quân Nga đã kiểm soát không phận trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Động thái này của nhà lãnh đạo Nga làm dấy lên nhiều lo ngại vì Nga hiện là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo hàng đầu thế giới.

Nga cho biết kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu nổ ra, quân đội nước này đã phá hủy 1.067 mục tiêu quân sự của Ukraine gồm 27 trạm kiểm soát và trung tâm liên lạc, 38 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk M-1, Osa và 56 trạm radar. Ngoài ra, 254 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 31 máy bay chiến đấu, 46 hệ thống tên lửa phóng loạt, 103 pháo và súng cối, 164 xe quân sự đặc biệt của Ukraine cũng bị vô hiệu hóa.

EU cấm các giao dịch ngân hàng và đóng cửa không phận với Nga

Theo các quy định mới được công bố của Liên minh châu Âu (EU) ngày 2802, EU cấm các giao dịch liên quan đến việc quản lý tài sản và dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đóng cửa không phận đối với tất cả các máy bay Nga.

Văn bản nêu rõ: "Bất kỳ máy bay nào do các hãng hàng không Nga vận hành… cũng sẽ bị cấm hạ cánh, cất cánh từ lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU". Quy định mới cũng chỉ rõ sẽ có ngoại lệ cho các trường hợp hạ cánh khẩn cấp hoặc các tình huống khẩn cấp mà máy bay Nga cần bay qua lãnh thổ EU.

 Đối với Ngân hàng Trung ương Nga, "các giao dịch liên quan đến quản lý các khoản dự trữ cũng như tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, bao gồm các giao dịch đối với bất kỳ cá nhân, thực thể, cơ quan nào theo ủy quyền hoặc chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương Nga, đều bị cấm". Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 28-2.

Trước đó, các nước phương Tây đã đồng ý đưa ra "các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh tay" mới đối với Nga, bao gồm việc một số ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT để truyền thông tin và thanh toán. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italia, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng ruble của Ngân hàng trung ương Nga. Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moscow trong quan hệ căng thẳng với Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.

Xe quân sự Nga di chuyển trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 25-2. Ảnh: AFP

Nga sơ tán công dân từ các nước châu Âu

Để giảm thiểu những tác động của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan tới căng thẳng với Ukraine, ngày 27-2, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước.

Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga lưu ý rằng thẻ ngân hàng cũng tiếp tục hoạt động như bình thường và tiền của khách hàng trên tài khoản luôn có sẵn cho họ bất kỳ lúc nào. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Ngân hàng Trung ương Nga cũng yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Nga cũng sẽ tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng, qua đó cho phép các ngân hàng chống chịu với "các hoàn cảnh bên ngoài".

Nga cũng khẩn trương sơ tán công dân trước khi châu Âu cấm sử dụng không phận. Cơ quan Vận tải Hàng không và Cơ quan Lữ hành Liên bang Nga cho biết họ đang phối hợp với Bộ Ngoại giao Nga để tổ chức sơ tán công dân Nga từ các nước châu Âu trong bối cảnh ngày càng nhiều nước phương Tây đóng cửa không phận với máy bay Nga. "Các hãng hàng không Nga sẵn sàng làm tròn trách nhiệm với hành khách, đưa họ trở về nhà trên cơ sở các phương thức linh hoạt và quyết định mang tính xây dựng của giới chức quản lý hàng không tại các nước châu Âu về vấn đề này", thông cáo của Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cho hay.

Các cơ quan này khuyến cáo công dân Nga ở châu Âu đăng ký nhận sự trợ giúp thông qua ứng dụng điện thoại của Bộ Ngoại giao Nga.

KHẢ ANH