Cần rà soát và quản lý 20 bãi cát không phép tại Hòa Xuân

Thứ bảy, 13/05/2017 11:30

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, dư luận tại TP Đà Nẵng bất ngờ với thông tin: UBND P. Hòa Xuân và UBND Q. Cẩm Lệ cho 20 cá nhân, doanh nghiệp mượn mặt bằng với diện tích gần 20.000m2 tại Khu E2 mở rộng ven sông Quá Giáng và Khu Liên hợp Thể dục thể thao ven sông Vĩnh Điện làm điểm tập kết vật liệu xây dựng (cát sông). Việc cho mượn tạm địa điểm làm điểm tập kết cát này đã phát sinh nhiều hệ quả khó lường.

20 bãi tập kết cát này của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Trường Huy, Công ty Ân Lộc Thiên, Công ty Sky Đại Nam, Công ty Hùng Tiến, Công ty Minh Hoàng Long... Mặc dù, không có bất kỳ giấy phép nào, thế nhưng các bãi tập kết cát này vẫn hoạt động công khai. Hằng ngày, các loại phương tiện ra vào tấp nập, còn cát được chất cao như núi. Hầu hết những bãi tập kết cát trái phép ở đây đều được chủ bãi cát "cơi nới" để làm bến bãi bốc dỡ. Việc lấn sông như vậy đã và đang đe dọa đến môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy và gây nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, những bãi tập kết trái phép này không có một cơ quan chức năng nào quản lý, kiểm soát.

Một bãi cát không phép tại Hòa Xuân.

Theo quan sát của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, cát ở các bãi tập kết này được ghe, thuyền, xà lan hoặc xe tải trọng lớn đưa từ Quảng Nam chở về với số lượng hàng ngàn mét khối mỗi ngày nhưng nguồn gốc, xuất xứ số cát này ở đâu lại là một câu hỏi lớn. Theo phản ánh của nhiều người, nguồn cát được tập kết về đây chủ yếu là cát lậu được khai thác trộm trên các sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) và ngay cả trên sông thuộc địa bàn TP Đà Nẵng được vận chuyển về đây theo đường sông Vĩnh Điện và hệ thống đường bộ qua QL14B. Ngoài ra, những bãi cát này có vị trí do nằm sát khu dân cư nên khi tổ chức vận chuyển, mua bán đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ông Lê Văn P. (trú P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) cho hay, hoạt động mua bán cát diễn ra tấp nập suốt ngày đêm đã gây tiếng ồn, bụi bặm... làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ngày 10-5, làm việc cùng chúng tôi, ông Trần Phước Mỹ- Trưởng phòng TN&MT Q. Cẩm Lệ, cho biết: "Tất cả những bãi cát trên được UBND quận "cho mượn" mặt bằng từ năm 2015 đến nay. Việc cho mượn này xuất phát từ tình hình thực tế do chủ dự án bỏ hoang, chưa san lấp... và nhằm chống sạt lở". Tìm hiểu về quy trình xin mượn mặt bằng làm điểm tập kết xây dựng, chúng tôi được ông Võ Linh Thể- Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân, cho biết: "Quy trình này gồm có 6 bước: Trước hết, doanh nghiệp hoặc cá nhân có đơn gửi UBND quận; khi lãnh đạo quận có bút phê đồng ý sẽ được chuyển về để UBND phường cùng doanh nghiệp chọn địa điểm và gửi công văn xin ý kiến của các cơ quan chức năng tại quận. Trên cơ sở được sự chấp nhận của cấp quận, UBND phường sẽ làm hợp đồng cho mượn mặt bằng". Cũng theo ông Thể, việc cho mượn mặt bằng do UBND phường chịu trách nhiệm song mọi hoạt động của các bãi cát này đều... không biết. Ngoài ra, việc cho mượn mặt bằng này chính quyền địa phương không thu của doanh nghiệp bất kỳ một khoản phí nào cả.

Theo chúng tôi, việc ngành TN&MT không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào thành lập, kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chính quyền địa phương lại cho mở các điểm tập kết. Chính nghịch lý này đã khiến hàng chục điểm tập kết cát trái phép mọc lên và hoạt đông ngang nhiên tại P. Hòa Xuân. Hơn nữa, việc cho phép những bãi tập kết cát không chỉ đe dọa đến dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường mà vô tình tiếp tay cho những đối tượng khai thác cát trái phép trên các sông tại Quảng Nam có điều kiện hoạt động một cách manh động hơn để vận chuyển về Đà Nẵng tiêu thụ. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với 20 bãi cát không có giấy phép tại P. Hòa Xuân và đây cũng là biện pháp đấu tranh hữu hiệu với tệ nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông hiện nay.

M.T