Cần sớm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Thứ bảy, 04/01/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày qua, việc Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo một số thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới, trong đó đưa ra các phương án nên thi tốt nghiệp 4 môn hay nhiều hơn đã gây sự chú ý của dư luận xã hội, phụ huynh và học sinh.

Trên các trang mạng một số cơ quan báo chí cũng mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, nhằm đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.

Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là bản dự thảo xuất phát từ yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.

Dự thảo đưa ra phương án thứ nhất: Học sinh sẽ phải thi 4  môn, trong đó có 2 môn bắt buộc, (Toán, Văn) 2 môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (theo chương trình 7 năm) để được cộng điểm khuyến khích. Phương án hai: Sẽ thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được lựa chọn môn thi thay thế trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn ở trên. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây chưa phải là phương án cuối cùng. Nếu được xã hội đồng ý phương án nào có thể thực hiện ngay trong năm 2014.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Nhiều người cũng bày tỏ quan điểm, môn Ngoại ngữ cần được đưa vào môn thi chính thức chứ không còn là môn điều kiện hay là môn để được cộng điểm. Lo ngại về vấn đề nếu chỉ thi 2 môn bắt buộc hoặc 3 môn bắt buộc trong hai phương án trên, có thể học sinh sẽ lấy đó làm cơ sở cho việc học lệch, học tủ ở những môn có trong danh sách thi. Vấn đề này Thứ trưởng Hiển khẳng định, hiện nay mặc dù Quy chế quy định học sinh chỉ cần đạt học lực yếu, hạnh kiểm khá vẫn được thi tốt nghiệp. Nhưng thực tế học sinh vẫn học lệch. Và nếu là học lệch chính đáng (học theo hướng nghiệp) là điều tốt.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thông tin, nếu năm 2014 áp dụng phương án thứ nhất của Dự thảo thì việc đánh giá học sinh tốt nghiệp sẽ bao gồm điểm tốt nghiệp có học lực, các  môn đều được tham gia xét tốt nghiệp. Các môn công cụ như Toán, Văn sẽ là bắt buộc, ngoài ra Ngoại ngữ hướng tới bắt buộc nhưng trước mắt sẽ khuyến khích.

Một quy định trong Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT có đề cập về tỷ lệ được miễn thi. Theo đó, nếu được áp dụng từ năm 2014 thì năm đầu tiên tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD&ĐT tối đa là 20% (đây là những thí sinh có kết quả học tập xuất sắc), tỷ lệ này có thể được điều chỉnh trong những năm tiếp theo. Thứ trưởng Hiển cho biết, tỷ lệ để đảm bảo  chỉ quy định tối đa từ 20% trở xuống và hy vọng các sở sẽ không có tình trạng lấy nhầm thí sinh.

Trao đổi thêm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm thiên về phương án thứ nhất, Bộ sẽ khuyến khích cộng điểm cho học sinh nào ham học, khuyến khích học sinh học ngoại ngữ. Với phương án đầu tiên sẽ giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ 2020.

Như vậy, nếu thực hiện phương án thi thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ còn khoảng 3 tháng nữa để hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014. Lãnh đạo nhiều Sở GD-ĐT cho rằng thời gian để công bố phương án thi tốt nghiệp như vậy có quá cập rập hay không, đề nghị Bộ cần sớm chốt phương án để không gây hoang mang cho học sinh.

H.V