Cần tăng cường công tác giám sát dịch Ebola tại cửa khẩu

Thứ ba, 04/11/2014 11:48

Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola được phép tiếp xúc người ngoài

(Cadn.com.vn) - Sáng 3-11, Bệnh viện Đà Nẵng đã chính thức dỡ cách ly đối với bệnh nhân Chu Văn Chung (1988, quê Quảng Cát, Quảng Xương, Thanh Hóa). Hiện tại, bệnh nhân Chung đã có dấu hiệu hồi phục sức khỏe, không còn sốt và cũng đã được tiếp xúc với người ngoài. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm-Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, lúc mới nhập viện bệnh nhân sốt cao, được chẩn đoán sốt rét ác tính, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trong máu cao, rất nguy hiểm đến tính mạng. Qua hơn 2 ngày điều trị, bệnh nhân Chung đã hoàn toàn khỏi sốt và tỉnh táo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Qua tiếp xúc với chúng tôi vào sáng 3-11, bệnh nhân Chung cho biết anh về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-10 sau 5 ngày trên chuyến bay từ Guinea qua Marocco và Qatar. Tại các sân bay ở Guinea và Marocco, hành khách đều  được kiểm tra nhiệt độ bằng  súng bắn nhiệt độ và máy đo thân nhiệt. Riêng tại Qatar thì không có các hình thức kiểm tra thân nhiệt trên. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, anh Chung được kiểm tra thân nhiệt trước khi rời sân bay.

Anh Chung cho rằng khi đó, cơ thể chưa có dấu hiệu sốt và đến tối 28-10, mới bắt đầu lên cơn sốt. Sau khi uống thuốc hạ sốt, anh tỉnh táo trở lại nên ngày 31-10 tiếp tục di chuyển từ TPHCM về Đà Nẵng bằng đường hàng không để thăm bạn bè. Đến sáng 1-11, thấy trong người có dấu hiệu sốt nên anh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng và sau đó được cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng vì nghi nhiễm Ebola. Khi được các nhân viên y tế đưa vào khu cách ly vì nghi nhiễm Ebola anh Chung cũng không mấy lo lắng.

Theo lý giải của Chung thì các triệu chứng sốt của anh không giống với Ebola như: không vàng da, không tiêu chảy…"Tại Guinea, tôi làm việc cho một công ty chuyên chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh. Thời gian gần đây, do kinh tế ở Châu Phi khó khăn cộng với ảnh hưởng của dịch Ebola  tôi và người bạn làm cùng công ty đã quyết định về Việt Nam sinh sống"-Chung nói. Theo lời kể của Chung, dịch bệnh Ebola ở Guinea và các nước lân cận lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, do người dân ở đây ít tiếp xúc với các thông tin về dịch bệnh cộng với tập quán địa phương như tắm cho người chết trước khi chôn… nên tốc độ lan truyền bệnh nhanh chóng.

Hiện sức khỏe bệnh nhân Chu Văn Chung đã ổn định và có thể tiếp xúc với người ngoài.

Cần tăng cường công tác kiểm soát dịch tại cửa khẩu

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến-Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, Sở Y tế TP đã phối hợp với Cảng vụ hàng không, cảng biển triển khai thực hiện việc giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Đà Nẵng qua các cửa khẩu thông qua việc theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa. Đồng thời áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh hoặc có đi ngang qua vùng dịch trong vòng 21 ngày theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, phương pháp lấy mẫu, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, ngành y tế thành phố đã sẵn sàng đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng TP (TTYTDP), 7 TTYT quận, huyện và 56 trạm xá phường, xã giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đến tận tổ dân phố, thôn, xã, phường, hộ gia đình…

Chính nhờ có sự chuẩn bị tốt và luôn sẵn sàng trong tình trạng ứng phó khi dịch xuất hiện nên khi phát hiện một trường hợp trở về từ tâm dịch Ebola có biểu hiện sốt, các đơn vị của ngành y tế đã có sự phối hợp đồng bộ. Các khoa, phòng, đội ứng phó nhanh của Bệnh viện Đà Nẵng đã ứng phó rất nhanh trong cách ly, thu dung và chẩn đoán điều trị bệnh nhân và làm tốt công tác hậu cần cho người bệnh và nhân viên y tế.  TTYTDP cũng đã triển khai kịp thời công tác xử lý môi trường những nơi bệnh nhân Chung đến và lưu trú; nắm bắt nhanh danh sách những hành khách có liên quan đến bệnh nhân Chung…

Bác sĩ Yến cho rằng: Để công tác phòng chống dịch Ebola trong thời gian tới được tốt hơn nữa thì việc duy trì và tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ ở các cửa khẩu, triển khai tốt tờ khai y tế, tránh bỏ sót các trường hợp bắt buộc phải áp dụng tờ khai y tế là một trong những điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đường bộ, hàng không và cảng biển cần có sự phối hợp chặt chẽ để có sự chia sẻ, trao đổi thông tin về những trường hợp đến từ vùng dịch có áp dụng tờ khai y tế.

Nếu làm tốt công tác giám sát từ cửa khẩu, trường hợp nhập cảnh có áp dụng tờ khai y tế được các tỉnh, thành phố phối hợp, trao đổi thông tin tốt thì việc giám sát người có bệnh tại cộng đồng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt là công tác tư vấn cho những đối tượng có áp dụng tờ khai y tế để họ tránh đến những nơi đông người và nếu có những dấu hiệu như sốt thì phải đảm bảo sức khỏe của họ cũng như làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho những người tiếp xúc với họ.

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tập huấn cho nhân viên y tế về công tác phòng chống Ebola, cần tăng cường hơn công tác truyền thông, ngành y tế sẽ rà soát lại một lần nữa toàn bộ nhu cầu công tác phòng chống dịch để tham mưu cho lãnh đạo UBND TP có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Hiện tại, ngành y tế được UBND TP đầu tư máy đo thân nhiệt và thành phố cũng đã có chủ trương đầu tư cho ngành y tế máy siêu lọc máu và máy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) trị giá 5,2 tỷ đồng.

T.Dũng