Cần tăng nguồn lực khi phân cấp, ủy quyền
Các đơn vị, địa phương tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền khi không được phân kèm theo nhân lực, vật lực.
Thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị, Đà Nẵng triển khai đề án phân cấp, ủy quyền từ năm 2021 với 8 nội dung phân cấp, 73 nội dung ủy quyền. Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP cho biết, cơ bản việc thực hiện đề án tốt, thể hiện nỗ lực rất lớn của thành phố. Tuy nhiên, qua giám sát các địa phương kiến nghị rất nhiều về nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng không kèm theo nhân lực, vật lực, trí lực cho nên các địa phương phải gồng mình thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền. Theo ông Tuấn, thành phố cần rà soát lại các nội dung phân cấp, ủy quyền xuống các quận huyện, rồi từ quận huyện xuống phường xã, gắn với phân bổ nguồn lực để các đơn vị được phân cấp, ủy quyền có thể thuận lợi làm việc.
Theo UBND TP, thực tế khi triển khai phân cấp, ủy quyền vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như trong lĩnh vực quản lý đô thị, hiện nay số cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận huyện có trình độ chuyên môn về xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng…) chưa đảm bảo. Một số quận huyện gặp khó khăn về nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp khi thực hiện nhiệm vụ phân cấp quản lý về đô thị. Trong lĩnh vực đất đai, trước đây khi chưa phân cấp, Sở TN&MT thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Sau khi phân cấp, quy định chỉ trong trường hợp cần thiết thì UBND quận huyện mới lấy ý kiến Sở TN&MT trước khi phê duyệt.
Nhưng thực tế, hầu như mọi trường hợp UBND quận huyện đều lấy ý kiến của Sở. Do đó, việc phân cấp chưa giảm được khối lượng công việc tại Sở cũng như tại các quận huyện. Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền giữa quận huyện và phường xã tuy có chuyển biến nhưng còn ít, chủ yếu là ủy quyền quản lý đô thị. Tại cấp phường xã, trong điều kiện hiện nay số lượng công chức chuyên môn được quy định vẫn chưa được bố trí, số lượng công chức đang làm việc tại UBND xã phường trong một số lĩnh vực rất ít so với mật độ dân số trên địa bàn, do đó đã tạo áp lực rất lớn đối với công chức trong công tác tham mưu, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Một số nội dung quận có thể thực hiện phân cấp, ủy quyền cho phường tuy nhiên các điều kiện (công cụ hỗ trợ, kỹ thuật, tài chính, nhân lực) hiện tại của các phường vẫn khó khăn, chưa đảm bảo, vượt quá khả năng đảm đương.
Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sau khi thực hiện đề án phân cấp, ủy quyền đã tổ chức 7 lớp tập huấn, ban hành 36 văn bản hướng dẫn. Tuy vậy, việc này cần tăng cường thêm bởi vì sự lúng túng sau khi phân cấp, ủy quyền vẫn còn diễn ra ở các đơn vị, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý đô thị. Ví dụ như việc cắt tỉa cây xanh tiêu chuẩn, quy chuẩn thế nào cần có một quy trình hướng dẫn, giám sát toàn bộ, chuẩn hóa.
Cũng theo ông Nguyện, sắp tới thành phố sẽ tăng thêm 392 công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp phường. Còn biên chế công chức hành chính quận huyện, thành phố hiện nay chỉ có giảm chứ không tăng. Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế (đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021) thành phố không có nguồn để giải quyết kiến nghị tăng biên chế đối với các cơ quan, đơn vị.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh cũng cho biết, việc phân cấp, ủy quyền cứ đẩy từ UBND TP xuống sở ngành, quận huyện mà không có nhân lực, vật lực đi theo rồi không có cơ chế, chế tài kiểm tra giám sát lại trở thành vấn đề, chưa chắc đã tốt. Ví dụ như một số công trình của Sở Xây dựng phân cấp xuống quận huyện nhưng nhiều công trình lớn quá quận huyện không đủ sức nên cứ luẩn quẩn, mất thời gian. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền, UBND TP sẽ rà soát, có giải pháp để đảm bảo hiệu quả. Ông Minh nói, khó khăn hiện nay là thành phố rất thiếu biên chế, khi phân cấp cho quận huyện nhiều nhiệm vụ hơn nhưng không có biên chế để phân xuống. Do đó, ông Minh đề nghị Sở Nội vụ lưu ý ngoài biên chế tăng thêm cho phường xã thì việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo nghị quyết của Quốc hội lần này phải tham mưu sớm việc bố trí lại biên chế, chứ không lại vướng. Đơn cử như làm việc với huyện Hòa Vang, tại xã Hòa Ninh chuẩn bị có 1 cán bộ địa chính nghỉ, nhưng không có biên chế để thay, trong khi xã Hòa Ninh có diện tích rất lớn. Việc bố trí lại biên chế cấp xã phường cần làm nhanh, đồng bộ, với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, T.Ư không chờ tỉnh thành, thành phố không chờ quận huyện, quận huyện không chờ phường xã.
HẢI QUỲNH