Cận Tết pháo lậu “nóng” lên từng ngày

Thứ ba, 01/01/2019 19:00

Gần như đã thành quy luật, trong thời điểm cuối năm âm lịch, tình hình mua bán, vận chuyển pháo lậu tại một số địa phương giáp biên của nước ta, trong đó có tỉnh Quảng Bình bắt đầu có dấu hiệu phức tạp. Đến nay, việc giải quyết tận gốc vấn đề pháo lậu vẫn là “bài toán” gian nan khi tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo trái phép đang “nóng” lên từng ngày.

CAH Minh Hóa bắt giữ ô-tô BKS 73B- 088.00 vận chuyển pháo trái phép.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Với quyết tâm ra quân tấn công truy quét tội phạm, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Bình đã tập trung lực lượng đấu tranh với tội phạm này, cố gắng ngăn chặn, không để pháo lậu xâm nhập địa bàn và gây mất ANTT trong dịp Tết. Trong đợt ra quân tấn công truy quét tội phạm này, các lực lượng công an trong tỉnh Quảng Bình đã tập trung lực lượng đấu tranh, bắt giữ 30 vụ việc/ 32 đối tượng liên quan đến pháo, thu giữ trên 300kg pháo các loại. Như vậy trung bình mỗi ngày lực lượng Công an Quảng Bình đấu tranh làm rõ 2 vụ buôn bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép trên địa bàn. Mới đây, vào ngày 24-12-2018, tại Km66 +100 QL12A (đoạn qua xã Yên Hóa, H. Minh Hóa), CAH Minh Hóa phát hiện ô-tô khách BKS 73B-008.00 do Phạm Kiều Hưng (1986, trú H. Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển vận chuyển trái phép 22 hộp pháo.

Sở dĩ, pháo không ngừng gia tăng mà nó còn âm ỉ, len lỏi vào tận khu dân cư, địa bàn thôn, xóm, trở thành một “thị trường ngầm”, nhất là vào các dịp lễ, Tết, gây bức xúc trong nhân dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguồn gốc của pháo lậu tràn ngập địa bàn tỉnh Quảng Bình, chủ yếu từ Lào về qua 2 cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Cha Lo. Sau khi vận chuyển trót lọt, các đối tượng mang về cất giấu sau đó “xé nhỏ” để bán lại trên thị trường cho những ai có nhu cầu. Khi bị bắt giữ hầu hết đối tượng đều thừa nhận đây là mặt hàng cấm nhưng vì siêu lợi nhuận mang lại từ pháo là rất cao nên đã qua mặt cơ quan chức năng để rồi phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Không khó để lý giải, bởi pháo nổ mua bên kia biên giới chỉ có 3.000 đồng/bánh nhưng nếu trót lọt sẽ bán với giá 30.000- 40.000 đồng/bánh. Còn vào dịp Tết, giá pháo lậu tại thị trường Việt Nam, được đẩy lên cao gấp 10 lần giá gốc. Cũng chính vì lợi nhuận cao nên pháo được quay vòng liên tục từ tay người này sang tay người khác, khiến thị trường “nóng” lên từng ngày. Để giải quyết tận gốc vấn đề pháo lậu đến nay vẫn đang còn là một bài toán nan giải, do yếu tố giữa cung và cầu của thị trường. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành liên quan cần sớm vào cuộc, có động thái tích cực hơn để pháo lậu không còn là mối đe dọa nghiêm trọng, gây ra không ít tai nạn đáng tiếc, lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống sinh hoạt chung của người dân trên địa bàn.

Lực lượng CA Quảng Bình ghi lời khai một đối tượng có hành vi vận chuyển pháo trái phép. 

Tập trung đấu tranh mạnh, quyết liệt

Dự báo thời điểm gần Tết Nguyên đán 2019, tình trạng mua bán và vận chuyển các loại pháo tiếp tục tăng cao với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Riêng lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã đồng loạt ra quân tấn công truy quét tội phạm, trong đó đã tập trung lực lượng đấu tranh có hiệu quả với tội phạm liên quan đến pháo. Do vậy, một trong những giải pháp cấp bách đồng bộ được các lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình triển khai quyết liệt là tăng cường lực lượng ở các địa bàn cơ sở, trọng tâm là tập trung vào các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm như: các xã ven biển, tuyến QL1A, 12A, đường mòn Hồ Chí Minh, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, các đường tiểu ngạch, các nhà ga, bến xe, các trung tâm thương mại, chợ, khu vực kinh doanh tập trung đông người… nhằm đấu tranh ngăn chặn không để pháo tràn lan thị trường trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ công tác tấn công truy quét tội phạm đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo.

Nhiều địa phương đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, trong đó đã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, bản; tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm; về tận từng thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư, gia đình, trường học, chợ, bến xe, nhà ga... phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết trong nhân dân không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng pháo, các thủ đoạn mua bán, vận chuyển, các quy định về xử phạt vi phạm và tình hình, kết quả thực hiện Nghị định số 36/NĐ-CP của chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trong tình hình hiện nay để nhân dân hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nhờ đó mà mà các vụ việc liên quan đến pháo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tình hình buôn bán, tàng trữ và đốt pháo trong học sinh, trường học và tại các chợ đã giảm hẳn.

Về vấn đề xử lý vi phạm đối với các hành vi liên quan đến pháo cũng đã được quy định rõ ràng, giúp các lực lượng chức năng chủ động hơn trong việc điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử. Chính vì vậy, với những vụ việc liên quan đến pháo bị bắt giữ thời gian gần đây, sau khi có kết quả giám định, lực lượng Công an sẽ cương quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm răn đe chung trong toàn xã hội, qua đó, ngăn chặn và đẩy lùi pháo lậu ra khỏi địa bàn, góp phần giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

NGUYỄN THUẬN