"Cẩn thận củi lửa"!

Thứ ba, 13/05/2014 10:50

(Cadn.com.vn) - Nắng nóng kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy trong thời gian qua. Song việc chỉ trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, số vụ cháy xuất hiện nhiều tại các khu dân cư, đơn vị sản xuất kinh doanh, trường học... khiến ngành chức năng lo ngại. Điều đáng nói hơn, các vụ cháy  trên địa bàn Đà Nẵng lại có dấu hiệu bắt nguồn từ sự chủ quan, bất cẩn của người dân. Đang vào cao điểm của mùa nắng nóng cùng nhiều dấu hiệu cực đoan của thời tiết, việc chủ động phòng chống cháy nổ của mỗi người dân là rất cần thiết.

Không phải tất cả đều là "bất ngờ bốc cháy"

Các vụ hỏa hoạn đáng ra có thể hạn chế được nếu cá nhân, tổ chức, hộ gia đình hay cơ quan, đơn vị chủ động trong công tác phòng ngừa. Trên thực tế, rất nhiều vụ cháy ngốn cả trăm triệu đồng, thậm chí bạc tỷ trong nháy mắt, đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC vào cuộc điều tra thì phát hiện ra những nguyên nhân... lãng xẹt.

Đơn cử là vụ cháy cách đây một tuần lễ. Chính ngọ ngày 6-5, trong lúc mà thời tiết như thiêu đốt thì nhân viên phục vụ của một quán bún chả cá trên đường Hà Huy Tập (Q. Thanh Khê) bắc chảo dầu lên trên bếp lửa đỏ rực rồi... bỏ đi ăn trưa! Thời cơ quá thuận lợi, bà hỏa tự do ngao du khiến gian bếp bốc cháy ngùn ngụt. Không thấy chủ nhà, người dân xung quanh hô hào cứu cháy. "Cái khó bó cái khôn", trong lúc dầu sôi lửa bỏng đúng nghĩa, nhiều người tham gia dập lửa lại dùng chăn để phủ đám cháy. Được thể, dầu ngấm vào chăn bùng phát lớn hơn, và nếu không có lực lượng Cảnh sát PCCC Thanh Khê đến hiện trường kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Kiểm tra hiện trường, lực lượng công an còn bất ngờ khi phát hiện một thế "hỏa công liên hoàn" với 5 nồi dầu bắc sẵn, 3 nồi ăm ắp dầu.

Khống chế, dập tắt "đám cháy ngớ ngẩn" do chủ nhà bỏ 3 chảo dầu đang đun trên bếp
để đi... ăn trưa. Ảnh: Sở Cảnh sát PCCC cung cấp.

Trước đó 1 tuần, cũng trên địa bàn Q. Thanh Khê, một vụ cháy lớn bùng phát tại lò sấy cà-phê nằm trên đường Điện Biên Phủ mà nguyên nhân được điều tra là do nhân viên đã không thực hiện đúng quy trình rang sấy khiến bà hỏa có cơ hội hoành hành. Tương tự như thế, rất nhiều vụ cháy trong thời gian qua được cơ quan Cảnh sát PCCC kết luận bởi những nguyên nhân rất "cũ": nào là bất cẩn trong đun nấu, nào là xử lý rác sinh hoạt khiến lửa bén theo cỏ khô, nào là chập điện trong gia đình, cả việc dùng tầng thượng của nhà làm nơi... chất củi.

Một điều đặc biệt là, ngay trong những tháng đầu mùa hè năm nay, rất nhiều vụ cháy đã xảy ra tại các trường học. Mới đây nhất, tối 11-5, tủ điện trung tâm đặt dưới tầng hầm của Trường THPT Trần Phú đột nhiên bốc cháy. Trước đó một ngày, lúc 21 giờ 45 ngày 10-5, bà hỏa cũng đã viếng thăm và bốc cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều tài liệu, giấy tờ tại Phòng Thanh tra - Khảo thí của Trường Đại học Thể dục thể thao. Trường Mầm non Vành Khuyên (P. Hoà Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) cũng bị thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra sự cố chập điện, bắt lửa vào đầu tháng 4.

Hiện trường vụ cháy mới đây nhất tại Trường THPT Trần Phú.
Ảnh: Sở Cảnh sát PCCC cung cấp.

Hỏa hoạn như thiên tai, phòng ngừa là chính

Theo đánh giá của cơ quan Cảnh sát PCCC thành phố, trong thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, ý thức PCCC của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt là trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Tại nhiều cơ quan, công trình trọng điểm, ngoài việc trang bị hệ thống PCCC, người đứng đầu đã chủ động phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC thực hiện các đợt diễn tập để cán bộ, nhân viên nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong ứng phó với hỏa hoạn. Thậm chí, tại một số khu dân cư, người dân đã tự giác đóng góp kinh phí để trang bị các bình cứu hỏa đến từng hộ gia đình.

Lực lượng Cảnh sát PCCC khống chế đám cháy tại một cơ sở sản xuất
trên địa bàn H. Hòa Vang. Ảnh: Sở Cảnh sát PCCC cung cấp.

Tuy nhiên, số vụ cháy xảy ra với tần suất dày như đầu năm đến nay đang là một lời cảnh báo cho cao điểm nắng nóng sắp tới. Theo Đại tá Dương Cảnh Mai, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 50 vụ cháy lớn nhỏ. Trung bình mỗi tháng xảy ra khoảng 10 vụ, thậm chí có ngày xảy ra tới 3 vụ. Ngoài những nguyên nhân khách quan như do nhiệt độ cao, nguồn điện sử dụng quá tải thì rất nhiều vụ do người dân quá chủ quan, không lường hết được hậu quả.

Qua thống kê thì nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian qua xuất phát từ sự cẩu thả của một bộ phận người dân. Ai cũng biết chỉ cần một que diêm, một cái tàn thuốc, một cục than tổ ong đã qua sử dụng, một mồi lửa nhỏ ở những vị trí tưởng như vô hại cũng có thể là điều kiện để làm bùng phát những đám cháy nguy hiểm, không chỉ là vật dụng, tài sản mà nhiều lúc tính mạng của con người cũng bị đe dọa. "Để hạn chế tối thiểu nguy cơ cháy nổ, người dân phải đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng điện, nguồn lửa và các vật liệu dễ cháy trong nhà. Hỏa hoạn cũng như thiên tai, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của từng công dân cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên cơ sở lấy phòng làm chính", Đại tá Dương Cảnh Mai nói.

Công Khanh

Cảnh báo về nguy cơ cháy rừng

Đại tá Dương Cảnh Mai cũng cho biết, đây cũng là thời điểm mà nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao. Tuy chưa xảy ra vụ nào tính từ đầu năm đến nay nhưng với diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiều khu rừng của Đà Nẵng đang ở trong tình trạng báo động. "Người dân đốt thực bì, khách đi du lịch vứt giấy, tàn thuốc bừa bãi đều có thể làm bùng phát đám cháy. Nguy hiểm hơn là tại những nơi này, xe phòng cháy chuyên dụng rất khó tiếp cận, khống chế", Đại tá Mai cho hay.

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã phát đi 8 bản tin dự báo cháy rừng. Ngay trong ngày 12-5, tại bản tin số 8, cơ quan này cho hay nguy cơ cháy rừng trong 3 ngày tới ở báo động cấp IV - Mức nguy hiểm.