Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tội phạm công nghệ cao
Đà Nẵng- Ngày 27-7, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Đà Nẵng phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp Viện KSND Tối cao tổ chức Hội thảo về "Những quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự năm 2015 về xử lý tội phạm công nghệ cao và lừa đảo qua mạng xã hội". Dự Hội thảo có Tiến sĩ Trần Công Phàn-Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, bà Tsukabe- Công tố viên Bộ Tư pháp Nhật Bản, chuyên gia Dự án Jica. Ông Phan Trường Sơn- Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng chủ trì Hội thảo…
Ông Phan Trường Sơn- Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo những quy định pháp luật về xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Trong thời gian qua, trên toàn thế giới, số lượng người sử dụng Internet và các thiết bị số gia tăng nhanh chóng. Theo đánh giá của Interpol, cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao. Mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này chỉ đứng sau tội phạm khủng bố, mức độ thiệt hại hàng năm ước tính khoảng 445 tỷ USD, cao hơn số lượng tiền tội phạm ma túy thu được. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 31,5 triệu người sử dụng Internet. Cũng như thế giới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng diễn ra rất phức tạp. Tội phạm len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đa dạng về hành vi, phương thức, thủ đoạn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khái niệm hoàn chỉnh về tội phạm công nghệ cao. Đây là một loại tội phạm mới, nhiều ý kiến chưa thống nhất ngay trong việc sử dụng thuật ngữ để xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội… Bộ luật Hình sự năm 1999 mới chỉ xác định được tội danh cần xử lý, nhưng lại bỏ sót những hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. Đến năm 2009, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi đã chỉ ra, quy định nhiều hành vi, nhưng cũng chưa thể đảm bảo quy định hết các hành vi nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm công nghệ cao.
Tại Hội thảo, có nhiều tham luận của các đại biểu về phương thức, thủ đoạn và công tác đấu tranh, xử lý tội phạm này. Báo cáo tham luận của Thượng tá Võ Văn Lanh- Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng nêu: Trên địa bàn Đà Nẵng nổi lên phổ biến là tội phạm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này thay đổi liên tục như: xâm nhập vào tài khoản email của doanh nghiệp, giả danh Việt kiều để lừa đảo, mạo danh chủ tài khoản để lừa đảo, lừa đảo trúng thưởng qua mạng xã hội… CQĐT đã xác lập, triệt phá nhiều chuyên án, đối tượng là người các địa phương khác gây án trên địa bàn Đà Nẵng. Các đối tượng lập thành các ổ nhóm, như khu vực Duy Xuyên (Quảng Nam), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Triệu Phong, Đông Hà (Quảng Trị)… giả danh nhân viên bưu điện, cơ quan CA để khống chế, đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, và Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã quy định nhiều điểm mới về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm này: hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa hoàn chỉnh thống nhất, còn chồng chéo, bất cập; công tác quản lý sim thuê bao trả trước, quản lý các tài khoản trong trang mạng xã hội, hệ thống game online còn quá lỏng lẻo; lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn mỏng, mới thành lập ở cấp Cục ở Bộ, 1 phòng của CA Hà Nội, một số đội ở vài địa phương; trang thiết bị còn hạn chế; nhiều khó khăn, vướng mắc trong quan hệ phối hợp với các cơ quan ngoài ngành CA và trong quan hệ với nước ngoài… Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc đó cũng chính là những vấn đề cần xem xét, giải quyết, tháo gỡ ngay trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao và lừa đảo qua mạng xã hội.
Hồng Thanh