Khai mạc Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII:

Cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân

Thứ năm, 26/02/2015 08:19

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 35. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trọng tâm của Phiên họp lần này vẫn là công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất

Chiều 25-2, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự kiến dự án sẽ được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Đa số thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Khẳng định đây là dự án Luật quan trọng, các thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, gửi xin ý kiến Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, xây dựng báo cáo đánh giá tác động liên quan đến mức độ mong chờ của người dân, ý nghĩa, tác động khi ban hành Luật trong đời sống xã hội; bảo đảm luật có tính khả thi và thống nhất với các luật liên quan trong hệ thống pháp luật.

Về những vấn đề được trưng cầu ý dân, các thành viên UBTVQH cho rằng việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ của người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước. Vì vậy, dự án Luật cần quy định tiêu chí, điều kiện để các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân có cơ sở để thực hiện.

Đối với chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đa số thành viên UBTVQH nhận định: Trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã xác định rõ: “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội, cần quy định: UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị trưng cầu ý dân.

Về phạm vi trưng cầu ý dân

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến cho rằng trưng cầu ý dân chỉ nên quy định tổ chức ở quy mô toàn quốc, vì như vậy sẽ phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội, UBTVQH đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Mặt khác, đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện nay pháp luật đã, sẽ tiếp tục bổ sung các quy định để bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động. Tính chất, giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định. Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp, dự án Luật cần quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể tiến hành ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính nhất định. Nhiều đại biểu nêu rõ: Dự án Luật mới chỉ quy định về trình tự, thủ tục việc trưng cầu ý dân chứ chưa quy định về trách nhiệm của hệ thống bộ máy nhà nước và của công dân khi tham gia trưng cầu ý dân; làm rõ việc quyết định sau khi có kết quả trưng cầu ý dân để bảo đảm hoạt động này có đầy đủ căn cứ pháp lý.

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng thảo luận về Ủy ban trưng cầu ý dân Trung ương; kỹ thuật thiết kế các quy định về danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; về giám sát trưng cầu ý dân.

Đảm bảo công bằng trong vận động bầu cử

Trong buổi làm việc sáng 25-2, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8, song vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến một số vấn đề như: Hội đồng bầu cử quốc gia; cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu; về các điều kiện thực hiện quyền ứng cử; về vận động bầu cử và xác định kết quả bầu cử.

Về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định ngay trong Luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nên quy định giới hạn tỉ lệ thấp nhất, tối thiểu và điều này được thể hiện luôn khi đưa danh sách ứng cử, đề cử để đảm bảo tỉ lệ.

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu quy định tối thiểu 35% nhưng chỉ đạt 30% thì vẫn nên chấp nhận, xuống thấp quá thì phải bầu lại. Quá trình hiệp thương cần quy định rõ tỉ lệ nữ, tỉ lệ chuyên trách và tỉ lệ số dư đại biểu.

Cũng có ý kiến cho rằng, rất khó để quy định cụ thể vấn đề này trong dự thảo bởi việc quy định cụ thể cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu ở trong luật sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nếu kết quả bầu cử không bảo đảm được đúng tỉ lệ như đã quy định trong luật thì sẽ không có cơ chế để xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị vấn đề cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu nên quy định trong các đề án về tổ chức bầu cử, chuẩn bị nhân sự giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử để bảo đảm sự linh hoạt cho mỗi kỳ bầu cử.

Đối với quy định về các hình thức vận động bầu cử, theo quan điểm của Ủy ban pháp luật, việc dự thảo Luật trình Quốc hội chỉ giới hạn hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

Song cũng có ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức vận động bầu cử nhằm đa dạng hóa các hình thức vận động như: in, phát tờ rơi về chương trình hành động, người ứng cử tự mình vận động bầu cử, vận đồng bầu cử theo giới...

Thảo luận tại buổi làm việc, đa số các ý kiến đề nghị tán thành như dự thảo bởi đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả. Việc bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác sẽ khó bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử.

Thu Thủy – TTXVN