Cần thiết giữ nguyên Cảng hàng không Đà Nẵng là cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ quốc gia

Thứ bảy, 20/03/2021 07:22

UBND TP Đà Nẵng ngày 19-3 cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam vừa ký Văn bản số 1326 gửi Bộ GTVT liên quan đến nội dung góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thông cảng hàng không (CHK) sân bay toàn quốc thời giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đà Nẵng đề nghị các bộ ngành giữ nguyên CHK quốc tế Đà Nẵng là CHK quốc tế, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không 2006.

Một góc sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Quan điểm quy hoạch, tính toán thiết kế công suất

Tháng 1-2021, theo đề nghị của Bộ GTVT về góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Đà Nẵng đã giao các sở ban ngành liên quan nghiên cứu hồ sơ báo cáo quy hoạch, tham mưu cho thành phố. Trên cơ sở đó, UBND thành phố có ý kiến về quan điểm quy hoạch, phát triển, cụ thể là: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần đặt ra mục tiêu, định hướng, rõ ràng cho việc phát triển theo các mô hình, xu thế mới theo kinh nghiệm các sân bay tiên tiến trên thế giới; tạo động lực phát triển cho KT-XH của địa phương, vùng nói riêng, cho lĩnh vực GTVT nói chung, đóng góp vào phát triển KT-XH đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, cần nghiên cứu đặc thù của các sân bay để xác định các mô hình, xu hướng phát triển thích hợp cho mỗi sân bay, thay vì phát triển hầu hết giống nhau như hiện nay trên toàn quốc. Do vậy, đối với các sân bay trong đô thị, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng cần có định hướng phát triển thích hợp, hiệu quả (như mô hình đô thị sân bay); khắc phục các hạn chế chỉ phục vụ mục đích giao thông, phát triển tách biệt và không có vai trò là động lực cho phát triển đô thị xung quanh.

Về tính toán, thiết kế công suất CHK quốc tế Đà Nẵng, hiện tại sân bay có tổng diện tích đất 861,29 ha; công suất năm 2019 đạt 15,53 triệu hành khách/ năm; công suất theo quy hoạch đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ là 28 triệu hành khách/năm; công suất theo dự thảo Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 30 triệu hành khách/năm) và công suất định hướng đến 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 2 phương án: 140 triệu hành khách/năm và 230 triệu hành khách/năm.

Theo nội dung văn bản gửi Bộ GTVT, TP Đà Nẵng cũng có ý kiến cho rằng, việc dự báo tăng trưởng thấp, thiếu chính xác của các giai đoạn quy hoạch và đầu tư trước đây đã liên tục quá tải tại sân bay Đà Nẵng. Vì vậy, cần rút ra bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn quy hoạch tiếp theo. Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn rà soát, khảo sát kỹ số liệu, thu thập số liệu tăng trưởng 5 năm của CHK quốc tế Đà Nẵng để đưa vào mô hình dự báo cho phù hợp…

Chưa phù hợp với Luật hàng không 2006

Nói về việc phân cấp CHK quốc tế Đà Nẵng, tại các hội thảo, cuộc họp, nhiều chuyên gia đầu ngành băn khoăn, không đồng tình về việc sân bay Đà Nẵng bị đơn vị tư vấn lập dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đề xuất đưa ra khỏi phân cấp CHK quốc tế cửa ngõ. KTS Hồ Phước Phương, Giám đốc chi nhánh Cty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC), nêu quan điểm: Từ nay đến năm 2030 - 2045, CHK quốc tế Đà Nẵng vẫn là cửa ngõ quốc tế như đã được phê duyệt, thể hiện qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 359/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15-3-2021. Ông Trần Dân - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường TP cũng cho rằng, đặc điểm của Đà Nẵng là điểm cuối hành lang kinh tế Đông -Tây từ Myanmar qua Thái Lan, Lào, Việt Nam và đến Đà Nẵng. Không những là điểm kết nối đường bộ, đường biển mà còn là đường hàng không, nên Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng. Do đó, việc quy hoạch đề xuất đưa CHK quốc tế Đà Nẵng ra khỏi cảng cửa ngõ quốc tế là không có cơ sở thuyết phục.

Tháng 2-2021, Sở Xây dựng cũng đã có Văn bản góp ý dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, trong đó nêu quan điểm, không thống nhất với đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch khi đưa CHK quốc tế Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ.

Tại văn bản 1326 ngày 10-3 do Phó Chủ tịch TP Lê Quang Nam ký gửi Bộ GTVT cũng nêu rõ: Dự thảo báo cáo để xuất loại bỏ CHK quốc tế Đà Nẵng ra khỏi phân cấp CHK quốc tế cửa ngõ (đã được phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030) với lý do “phù hợp với nguồn lực đầu tư và công suất, quy mô tối đa của CHK Đà Nẵng” là chưa phù hợp với Luật Hàng không 2006 cũng như thực tế hiện nay của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đề án này cũng chưa xem xét đến Quy hoạch chung điều chỉnh “TP Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn đến 2045 đã được Hội đồng Trung ương thẩm định thông qua trình Thủ tướng Chính phủ và chưa phù hợp với Nghị quyệt 43NQTW của Bộ Chính trị về định hướng, xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 với quan điểm “kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các TP lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á-TBD".

Nội dung văn bản đề cập: Đà Nẵng là một trong năm TP lớn của cả nước, là cửa ngõ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chính sách phát triển của TP theo Nghị quyết 43/NQ-TW ngay giai đoạn đến năm 2030 trong điều kiện Đà Nẵng đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tài chính, du lịch, công nghệ cao, logistic của khu vực Đông Nam Á; đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực chế tạo công nghệ cao-công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, logistic, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không. Riêng sân bay Đà Nẵng sẽ bị hạn chế nhiều đự án đầu tư nâng cấp hạ tầng nhằm thực hiện các chức năng cốt lõi: Làm sân bay dự bị chiến lược cho các đường bay quốc tếquốc nội trên FIR Hồ Chí Minh, phục vụ hành khách với sản lượng 30 triệu hành khách/năm sau 2030, phát triển hạ tầng logistic hàng không gắn với chuỗi logistic đa phương thức, phát triển thị trường hàng không chung (General aviation) gắn với hành khách thương gia/VIP sử dụng tàu bay cá nhân khi Đà Nẵng đang dần phát triển trở thành trung tâm tài chính và du lịch quốc tế. “Với những lý do đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam giữ nguyên CHK quốc tế Đà Nẵng là CHK quốc tế, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không 2006” – văn bản nêu.

CÔNG HẠNH