Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

Cần thiết sửa đổi nhiều luật nhằm tăng cường quản lý Nhà nước và phù hợp với Hiến pháp mới

Thứ hai, 26/05/2014 12:24

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (26-5), QH nghe nội dung Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); nghe các báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Đồng thời, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật ĐTC. Ảnh: H.Hoa

Trước đó, trong ngày làm việc 24-5, Quốc hội nghe Tờ trình các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS, sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), dự thảo Luật Đầu tư công (ĐTC).

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), theo tờ trình của Chính phủ, Luật Nhà ở hiện hành đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tế. Theo đó, dự thảo luật đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu để Quốc hội xem xét, cho ý kiến; như vậy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều (tăng 4 Chương và 26 Điều so luật hiện hành).

Tương tự, Luật KDBĐS hiện hành cần được sửa đổi bởi chưa quy định đủ các chế tài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển đồng bộ và lành mạnh; chưa có quy định để bảo đảm thị trường BĐS phát triển có kế hoạch, để Nhà nước có thể kiểm soát, điều tiết được cung- cầu của thị trường. Dự án Luật KDBĐS (sửa đổi) có 5 Chương, 74 Điều (giảm 1 Chương và 7 Điều so với luật hiện hành) được xây dựng nhằm tạo môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường bất động sản...

Thảo luận dự thảo Luật ĐTC, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí về phạm vi điều chỉnh và cho rằng dự thảo đã nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý ĐTC, từ đó hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC. Cho ý kiến về tiêu chí phân loại dự án đầu tư nhóm A, B, C, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa các tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C.

Theo đại biểu, việc phân loại quy định tại dự thảo mới chủ yếu dựa vào quy mô, tính chất dự án mà chưa dựa vào tính chất của nguồn vốn ĐTC; chưa có sự phân định nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư do Trung ương phân bổ cho địa phương để xác định thẩm quyền từng cấp, thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Cách phân định này chưa tạo điều kiện chủ động cho địa phương có điều kiện tự cân đối ngân sách đầu tư và không khuyến khích cho các địa phương tự cân đối ngân sách. Ngoài ra, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến cụ thể về: hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; kế hoạch đầu tư trung hạn; công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong ĐTC.

Thảo luận về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số ý kiến của các ĐBQH tán thành phạm vi điều chỉnh Luật Xây dựng. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ĐTC là quản lý và sử dụng vốn ĐTC. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng góp ý về một số vấn đề khác trong dự thảo luật như: điều chỉnh dự án xây dựng, quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, thanh tra, khiếu nại, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng...

H.Hoa-B.T