Cần tiếp tục khai quật, mở rộng khu vực gò Dương Xuân
(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia đầu ngành về sử học Việt Nam, các nhà khảo cổ, các học giả, nhà nghiên cứu tại báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân ở P.Trường An (TP Huế) để "giải mã"hoài nghi đó có phải là vị trí của cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung hay không.
Tại hố thăm dò số 5 ở gò Dương Xuân, Đoàn khảo cổ phát hiện nghệ thuật kiến trúc "lạ". |
Chiều 9-1, tại Huế, Viện Khảo cổ học (Bộ VH-TT & DL) phối hợp với UBND tỉnh TT-Huế báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân. Nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử Tây Sơn- Nguyễn Huệ, góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, được sự đồng ý của Bộ VH-TT & DL, từ ngày 7 đến 20-10-2016, Đoàn khai quật do Viện Khảo cổ học Việt Nam chủ trì đã mở 5 hố thám sát khảo cổ học tại gò Dương Xuân thuộc P.Trường An (TP Huế). Tại đây, hàng trăm di vật được phát hiện như mộ chum, nền, móng cát sỏi liên quan đến nền móng của kiến trúc; lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá/táng, là chân cột trong kiến trúc; nhiều mảnh sành, sứ, gạch ngói... Đặc biệt, tại hố thăm dò số 5, Đoàn phát hiện kiến trúc đá có chiều rộng trên 5,5 m; các lớp đá còn lại được xếp 2 lớp, 3 lớp, phát hiện 2 điểm bắt góc phía Tây và phía Đông, hiện tượng giật cấp của kiến trúc đá... Ngoài ra, Đoàn khảo cổ cũng phát hiện một bát sứ trắng men lam vẽ rồng, đế có 4 chữ Hán "Khang Hy niên chế" niên đại Thanh Thánh Tổ (1661-1722) và 1 mảnh trôn bát in hình gà trống và 4 chữ "Thiên nhiên từ khí"; một đĩa sứ nguyên vẹn (nhận định ban đầu là sứ Nhật Bản hoặc Trung Quốc, nhưng thống nhất có niên đại thế kỷ XVIII); đồng tiền "Thành Thái thông bảo - Thập Văn".
Thám sát tại một hố ở khu vực chùa Vạn Phước. |
Theo Viện Khảo cổ học, từ quy mô bước đầu nhận định, tại hố số 5, có thể liên quan đến kiến trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn. PGS-TS Bùi Văn Liêm - Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, chủ trì thăm dò nhận xét: Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích và tư liệu, bước đầu đoán định di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, vẫn phải chờ phân tích thêm... "Đây là kết quả bước đầu của quá trình khảo cổ được tiến hành trung thực, khách quan, khoa học. Đợt thăm dò địa điểm gò Dương Xuân đã cung cấp thêm những tư liệu về khảo cổ học, sử học, văn bản học... về thời kỳ Tây Sơn, liên quan đến những vấn đề thành quách, cung điện nhằm phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc, góp thêm chứng cứ khoa học phục vụ cho việc phát huy giá trị, lập hồ sơ trình Bộ VH-TT &DL cho phép tổ chức khai quật khảo cổ học trong thời gian tới"- PGS.TS Bùi Văn Liêm cho hay.
Các di vật được tìm thấy tại các hố thám sát. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: "Vấn đề lăng mộ vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn là món nợ lịch sử. Đây là đề tài nghiên cứu thú vị mà nhiều người đã bỏ công sức, tâm huyết nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Việc tiến hành thăm dò khảo cổ học tại gò Dương Xuân là rất cần thiết, những dấu tích lịch sử thu được chưa khẳng định điều gì nhưng cần dồn sức để tiếp tục làm rõ hơn những giá trị lịch sử ở khu vực này". Còn PGS-TS Nguyễn Văn Đăng - Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế - cho rằng báo cáo còn mù mờ, chưa đi sâu vào nghiên cứu niên đại nên đoàn thăm dò khảo cổ học cần đưa ra dự báo, giả thuyết dựa trên các di tích, di chỉ thu nhận được để có hướng nghiên cứu tiếp theo. Theo nhận định của Viện Khảo cổ học, những kết quả thu được như vừa nêu là rất khả quan. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, diện khai quật hẹp, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế và Viện Khảo cổ học cần kiến nghị Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án quy hoạch tổng thể để mở rộng việc nghiên cứu. Đồng thời, các tổ chức, các nhà khoa học cùng vào cuộc nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn về khu di tích gò Dương Xuân, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề liệu có phải đây là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng cung điện; khi băng hà, vua đã được an táng tại đây và cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương hay không.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam: Trước hết, khẳng định trên gò Dương Xuân có chùa Thuyền Lâm, được sử dụng như một điện ở triều Tây Sơn. Như vậy, có thể cung điện Đan Dương của thời Quang Trung cũng nằm bên cạnh, tức cũng nằm trên gò Dương Xuân. Cái đó chỉ là suy luận, nhưng là suy luận có căn cứ. Liên quan đến các giếng khoan tại khu vực này đã khẳng định trước khi các chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn có mặt thì ở khu vực gò Dương Xuân đã có dấu tích của người Chămpa, nhưng chưa biết là chỗ cư trú như thế nào... GS Phan Huy Lê cho rằng, diện tích khai quật nhỏ so với diện phân bố của toàn bộ gò Dương Xuân, về nguyên tắc chưa nói được điều gì, tư liệu khai quật đến đâu chỉ được phép nói đến đó, không thể bắt các nhà khoa học kết luận được điều gì. Những gì thu được từ cuộc khai quật rất quý, đặc biệt là bức tường thành có vẻ có tính chất phòng vệ. "Tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, khai quật giai đoạn 2, nhất là mở rộng khai quật hố số 5 để làm sáng tỏ kiến trúc ấy có phải là kiến trúc tường thành không, niên đại của nó thuộc thời Tây Sơn hay trước và sau đó, đồng thời mở rộng điều tra, khảo sát về lịch sử"- GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
H.Lan- N.Thùy