Cần vá những “lỗ hổng” trong văn hóa ứng xử học đường

Thứ sáu, 06/04/2018 10:03

Khoảng nửa tháng trở lại đây, dư luận xã hội liên tiếp dậy sóng với những vụ bạo hành học đường liên quan giữa phụ huynh với giáo viên và giữa giáo viên với học sinh.

Đó là vụ phụ huynh hành hung nữ giáo viên mầm non đang mang thai tại TP Vinh Nghệ An; trước đó là vụ phụ huynh ép nữ giáo viên tiểu học ở H. Bến Lức (Long An) quỳ xin lỗi hơn 30 phút. Hay như vụ bạo hành tinh thần đối với học sinh của nữ giáo viên môn Toán tại Trường THPT Long Thới (H. Nhà Bè, TP HCM) khi nhiều tháng “không nói gì” mỗi khi lên lớp.

Còn hai ngày qua, dư luận tiếp tục phẫn nộ khi nghe vụ việc một cô giáo trẻ ở Hải Phòng có cách “ổn định trật tự” lớp học bằng cách buộc học sinh “súc miệng” bằng nước... giặt giẻ lau bảng. Tóm lược vụ việc, do một học sinh nữ nói chuyện riêng trong lớp nên cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (25 tuổi, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, H. An Dương, Hải Phòng) phạt em học sinh này “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng. Vụ việc sau đó bị phụ huynh phản ánh với nhà trường và cô Hương thừa nhận đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo như đã nêu trên. Sau khi xác minh rõ sự việc, chính quyền, ngành giáo dục H. An Dương đã thống nhất hình thức kỷ luật đối với cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương với hình thức buộc thôi việc.

Với những vụ việc xảy ra trong môi trường giáo dục nêu trên, một lần nữa cho thấy vấn đề ứng xử trong trường học giữa phụ huynh với giáo viên và giữa giáo viên với học sinh đang có những “lỗ hổng”. Đó là những “lỗ hổng” từ vấn đề đạo đức xã hội do văn hóa giao tiếp ứng xử kém, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật.

Nói đến vấn đề ứng xử có văn hóa trong giao tiếp, TP Đà Nẵng đã sớm “chuẩn hóa” về nhận thức, hành vi ứng xử của mọi tầng lớp nhân dân trong Sổ tay văn hóa Người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Trong đó, để xây dựng văn hóa học đường, đối với học sinh cần thực hiện 9 điều tốt và không được làm 9 điều xấu trong lời nói, thái độ, hành vi. Ví như, học sinh phải biết xưng hô lịch sự, lễ phép (đúng mực, đúng hoàn cảnh, đúng quan hệ) với thầy cô, cha mẹ, bạn bè và người khác; biết tôn trọng, hòa nhã, biết kiềm chế, tiếp thu... Là học sinh thì không được hồ đồ, nói tục, chửi bậy, không đố kị, không nói xấu người khác, không có hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần người khác... Còn đối với giáo viên, về lời nói phải biết xưng hô đúng mực với học sinh, không dùng các từ “mày, tao, tụi bay...” để xưng hô với học sinh; không xúc phạm danh dự học sinh. Về thái độ, giáo viên phải nghiêm túc, yêu thương, bình đẳng với học sinh, không nóng nảy, biết kiềm chế và có tinh thần hợp tác khi làm việc... Giáo viên phải giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, sẵn sàng hướng dẫn, giải thích cho học sinh những thắc mắc, những điều chưa hiểu. Đặc biệt, giáo viên không được đánh hoặc có những hành vi xúc phạm thân thể, tinh thần học sinh...

Đối với 4 vụ việc nổi cộm người viết dẫn chứng ở trên, dù đã được các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý cụ thể, nghiêm khắc nhưng xem ra mới chỉ giải quyết phần ngọn, giải quyết theo sự vụ. Bởi, để xây dựng một môi trường giáo dục có văn hóa học đường không chỉ “kêu gọi” chung chung mà cần có những “gạch đầu dòng” rất cụ thể những việc nên, không nên làm đối với học sinh, đối với giáo viên như TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện.

QUANG PHÚC