Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về người giáo viên toàn diện

Thứ hai, 29/12/2014 10:05

(Cadn.com.vn) - Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về người giáo viên toàn diện dựa theo 4 trụ cột của UNESCO là học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người. Đây là ý kiến được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và sau Đại học, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam”, do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 27-12.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, điểm cốt yếu để đào tạo đội ngũ giáo viên có đầy đủ yếu tố trên vẫn là đa dạng hóa đầu vào; đồng thời, liên tục phát triển, xây dựng bộ chuẩn đầu ra thật chi tiết và cụ thể, từ đó ngành Giáo dục sẽ dần dần đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trường sư phạm phải có vai trò hỗ trợ liên tục, bồi dưỡng, phát triển cho đội ngũ giáo viên; đồng thời, bản thân mỗi giáo viên cũng phải có trách nhiệm tham gia, tự bồi bổ kiến thức.

Cùng đề cập đến chủ đề một người thầy “toàn diện”, Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên (Đại học Khoa học Tự nhiên) và Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng, người thầy thành công đồng nghĩa với người trò thành công; trong đó, kỹ năng sư phạm là mảng rất quan trọng cho người thầy.

Người thầy đúng nghĩa nhận thức rõ sứ mạng “dạy chữ và dạy người”, bởi đó là mục đích của giáo dục. Vì vậy, người thầy toàn diện cần nhận thức về vai trò của chính mình; đồng thời, cần phải hiểu sâu và nắm vững kiến thức quan trọng căn bản cũng như kỹ năng về sư phạm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cũng đã trao đổi về các nội dung tăng cường kỹ năng sống trong chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm; đổi mới căn bản mô hình đào tạo giáo viên; những bất cập và đổi mới... với hơn 20 tham luận của các chuyên gia lĩnh vực giáo dục gửi về hội thảo.

Gia Thuận