Cần xem xét giải quyết chế độ thương binh cho người tham gia kháng chiến

Thứ hai, 21/08/2017 13:20

Bà Lê Thị Hải, trú thôn Trưởng Cửu 2, Tam Trà, Núi Thành, Quảng Nam tham gia cách mạng tại địa phương từ cuối những năm 1960. 10 tuổi, bà đã làm liên lạc cho đội du kích Kỳ Trà, thị xã Tam Kỳ (Tam Trà hiện nay), 15 tuổi, bị thương trong một trận càn của địch... Hơn 10 năm qua, bà Hải làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ thương binh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết...

Bà Lê Thị Hải làm hồ sơ hơn 10 năm qua, vẫn chưa được xét chế độ thương binh. 

Trong hồ sơ xin được hưởng chế độ thương binh của bà Hải từ năm 2005, ghi rõ: “Lê Thị Hải, sinh năm 1959, nguyên quán thôn 8, Kỳ Trà, Tam Kỳ, Quảng Nam; tham gia cách mạng tháng 1-1973, Đơn vị du kích xã Kỳ Trà. Người chỉ huy là ông Hồ Xuân Mãi-Xã đội trưởng. Ngày bị thương 17-2-1974, các vết thương cụ thể: Đứt cánh tay phải, gãy xương vai trái. Điều trị tại Bệnh xá Tam Kỳ đến ngày 17-3-1974, các giấy tờ còn lưu giữ gồm, phiếu chuyển thương, giấy ra viện, bệnh án điều trị... Giấy xác nhận (dùng cho người giao nhiệm vụ hoặc cùng công tác với người bị thương, hy sinh) của ông Nguyễn Ngọc Lạc, sinh năm 1938, trú thôn 3, Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam. Ông Lạc là cán bộ đến nay đã có 55 tuổi Đảng, tham gia cách mạng từ năm 1955, đã trải qua nhiều công tác, chức vụ, từ năm 1970, đến năm 1975 là Huyện ủy viên huyện Núi Thành, Bí thư Chi bộ Kỳ Trà... nghỉ hưu năm 1992, chức vụ công tác cuối cùng là Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thị xã Tam Kỳ”. 

Trong giấy xác nhận trường hợp bị thương của bà Lê Thị Hải, ông Lạc ghi rõ: “Bà Lê Thị Hải từ tháng 1-1973 đến tháng 2-1974 là chiến sĩ du kich, nhiệm vụ làm liên lạc cho đội du kích xã Kỳ Trà. Bị thương ngày 12-2-1974. Trường hợp bị thương, do bị biệt kích ngụy phục kích bắn vào lán trại của đội du kích, bà Hải trúng đạn, đứt một cánh tay phải, gãy xương bả vai trái”. Chính ông Lạc cũng là người ở trong lán trại du kích đó, chứng kiến trường hợp bị thương của bà Hải.  Giấy xác nhận thứ 2 là của ông Nguyễn Xuân Đức (sinh năm 1938, trú thôn 1, Tam Trà, Núi Thành, Quảng Nam), tham gia cách mạng từ năm 1954, trải qua nhiều công tác, chức vụ, nghỉ hưu năm 2001, đến nay cũng đã có 55 tuổi Đảng. Từ năm 1969, đến năm 1975, ông Đức là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Giải phóng, Trưởng ban Tuyên giáo xã Kỳ Trà, nên cũng biết rõ trường hợp bị thương của bà Hải, những xác nhận của ông về trường hợp bị thương của bà Hải cũng tương tự như ông Nguyễn Ngọc Lạc.

Từ những xác nhận của các nhân chứng cụ thể như trên, ngày 1-7-2005, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ và các Ban ngành xã Tam Trà đã tổ chức cuộc họp, có “Biên bản xác nhận người bị thương” đối với bà Lê Thị Hải”. Như vậy, hồ sơ để làm chế độ thương binh cho bà Hải có thể khẳng định là đầy đủ, đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, bà Hải vẫn không được xét chế độ thương binh. Vào năm 2008, bà Hải chỉ nhận được quyết định của UBND huyện Núi Thành, được xét là đối tượng trợ cấp xã hội, đối với người tàn tật, với số tiền 120 nghìn đồng/tháng. Đến năm 2010, bà Hải được Bộ Tư lệnh Quân khu 5, quyết định trợ cấp một lần theo chế độ là “đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” với số tiền 800 nghìn đồng. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hải buồn bã cho biết, trường hợp của bà theo quy định là đầy đủ các tiêu chuẩn để xét chế độ thương binh nhưng sao bà lại chỉ được xếp vào đối tượng “tàn tật”, mặc dù chính quyền và các cấp đã công nhận bà là người tham gia kháng chiến. Hiện nay, với tỷ lệ thương tật quá cao, mất hoàn toàn sức lao động, chỉ có chồng bà làm ruộng rẫy, kiếm sống qua ngày nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Lạc kể lại trường hợp bị thương của bà Hải trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 16-8 vừa qua, tại UBND xã Tam Trà, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Mười-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Vào thời điểm họp để  làm thủ tục hồ sơ, xét chế độ thương binh cho bà Hải, chính tôi là Chủ tịch UBND xã. Trường hợp bà Hải là đủ điều kiện để xét chế độ thương binh. Tuy nhiên thời gian đó, có ý kiến phản ánh, nào là bà Hải bị thương là do trúng pháo địch, chứ không phải do lúc chiến đấu, lại có ý kiến bà Hải lúc bị thương tuổi còn quá nhỏ, nên không được xếp vào thành viên đội du kích... Vì vậy mà hồ sơ của bà Hải đã bị “gác” lại, rồi bà chỉ được xem xét chế độ “người tàn tật”. Ông Mười cũng thừa nhận bà Hải rõ ràng đã được công nhận là người tham gia kháng chiến chống Mỹ, vì được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không xem xét chế độ thương binh cho bà Hải thì quá thiệt thòi cho bà. Chúng tôi cũng đã tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Lạc, nhân chứng đã chứng nhận về trường hợp bị thương của bà Hải, ông Lạc cho biết: Gia đình bà Hải là gia đình cơ sở cách mạng, mặc dù những năm 1973-1974, bà Hải mới 14, 15 tuổi nhưng đã tham gia làm liên lạc cho đội du kích, chính bản thân ông Lạc cũng giao nhiệm vụ cho bà Hải nhiều lần. Trường hợp bị thương của bà Hải xứng đáng để nhà nước công nhận xét chế độ thương binh cho bà.

Là người đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, lại bị thương trong chiến đấu, hiện nay hoàn cảnh của bà Lê Thị Hải vô cùng khó khăn. Chúng tôi đề nghị Đảng ủy, UBND, các Ban ngành xã Tam Trà cần xem xét lại hồ sơ thủ tục đề nghị xét chế độ thương binh của bà Lê Thị Hải, chuyển đến ngành chức năng huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, để xem xét giải quyết chế độ cho bà Lê Thị Hải, nhằm tránh gây thiệt thòi cho người tham gia kháng chiến xứng đáng được hưởng chế độ thương binh theo quy định của Nhà nước.

Hồng Thanh