Cần xem xét tính pháp lý của hợp đồng tặng cho

Thứ hai, 30/07/2018 13:46

Cho rằng hai người em ruột của mình đã "bắt tay" với văn phòng công chứng chuyển toàn bộ tài sản của cha để lại thành tài sản riêng, ông Ngụy Như Hường (1951, hiện trú tổ 30 khối  Thanh Chiếm, P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) đại diện cho 4 người em còn lại có đơn kêu cứu gửi Báo Công an TP Đà Nẵng.

Các em của ông Hường trình bày sự việc.

Ông Hường trình bày, cha của ông là ông Ngụy Như Cam (1921) sinh được 7 người con, ông là con trai cả.  Năm 1978, cha mẹ ông có mua một ngôi nhà cấp 4 diện tích hơn 609 m2 tại thửa số 5, tờ bản đồ 17, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AB 503997 do UBND thị xã Hội An cấp ngày 9-8-2005 (nay là số 247/1 Nguyễn Duy Hiệu, TP Hội An). Từ năm 2005, GCNQSDĐ của cha mẹ ông thường xuyên dùng thế chấp để vay tại ngân hàng.  Năm 2007, mẹ của ông qua đời, lúc này em của ông là bà Ngụy Thị Kim Oanh cần tiền, muốn nhờ GCNQSDĐ này để vay nhưng vì mẹ ông đã mất nên không thể thực hiện. Để tạo điều kiện cho bà Oanh, ông và tất cả mấy người em đã ký giấy từ chối quyền thừa kế của mẹ để chuyển sang cho cha ông đứng tên.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Ngụy Như Thành nói: "Anh em chúng tôi từ chối quyền thừa kế tài sản của mẹ là để cha đứng tên cho thuận tiện trong việc vay tiền (thực chất là Oanh vay). Nếu như Sơn không nôn nóng xây dựng nhà thì anh em chúng tôi cũng không hề phát hiện ra việc Sơn và Oanh đã đứng tên riêng GCNQSDĐ. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết được giữa cha chúng tôi và 2 người này đã có hợp đồng tặng cho, được thực hiện tại phòng công chứng Hội An. Theo tôi đây là bản hợp đồng "ma", có nhiều khuất tất". Liên quan đến bản hợp đồng tặng cho (HĐTC) nói trên, một người em khác của ông Hường là bà Ngụy Thị Như Đào cho rằng có nhiều điểm trái pháp luật. Theo bà Đào, thời điểm năm 2010, cha của bà đã 90 tuổi, thường xuyên đau ốm (có bằng chứng ông nằm viện Quảng Nam, Đà Nẵng)  không còn minh mẫn, mắt mờ, tai điếc. Trong tình trạng như vậy thì ông Cam không thể thực hiện được việc tặng cho này. Ngoài ra, tại trang 1 của HĐTC không có chữ ký của công chứng viên (CCV), ông Sơn, bà Oanh và dấu vân tay của ông Cam... Cũng theo bà Đào, hiện nay, 5 anh em bà đã có đơn khởi kiện Văn phòng công chứng Hội An ra TAND tỉnh Quảng Nam,  yêu cầu tòa tuyên hủy HĐTC; hủy GCNQSDĐ cấp cho ông Sơn bà Oanh và đề nghị tòa phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. 

 Hợp đồng tặng cho do CCV VPCC Hội An lập không đúng theo quy định của Luật Công chứng. 

Để làm rõ có hay không  "khuất tất" đằng sau HĐTC mà anh em ông Hường trình bày, ngày 17-7-2018, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã tìm đến Văn phòng Công chứng Hội An (VPCC). Tại đây, ông Nguyễn Văn Hải- Trưởng phòng CC cho biết: "Sở dĩ trong HĐTC số 02472 (ngày 30-8-2010) ông Cam không ký mà lăn tay vì lúc ấy tay ông run không thể ghi, thời điểm này ông Cam rất tỉnh táo. Thực tế anh em trong gia đình này đã thống nhất cho ông Sơn nên hợp đồng này chỉ là hợp thức hóa mà thôi. Việc có tên bà Oanh là để đảm bảo ông Sơn không được tự ý bán tài sản này. Mục đích của việc sang tên tài sản này cho ông Sơn là để làm nơi thờ tự... Sau khi ông Sơn bà Oanh đứng tên GCNQSDĐ, bà Oanh đi vay mượn ngân hàng nên không thể nói những người còn lại trong gia đình không biết có việc tặng cho này".

Khi PV hỏi, HĐTC không có chữ ký của ông Sơn, bà Oanh, CCV và dấu lăn tay của ông Cam ở các trang đúng hay sai. Ông Hải thừa nhận là sai, song ông lý giải đó chỉ là thiếu sót trong quá trình thực hiện (vì cùng lúc thực hiện nhiều bản). Bản PV đang có có thể là 1 trong số bản thiếu sót, đồng thời ông Hải khẳng định bản lưu tại VPCC luôn đúng, đầy đủ (!). Để chứng minh lời ông Hải, PV đề nghị được cung cấp bản HĐTC lưu tại VP, tuy nhiên vì lý do hồ sơ lưu trữ lâu ngày nên ông hẹn cung cấp sau. Song, đến ngày 19-7, ông Hải xác nhận với PV "bản lưu tại VP giống bản  mà PV cung cấp trước đó". Như vậy chứng tỏ CCV của VPCC Hội An lập HĐTC nói trên đã không thực hiện đúng theo quy định của Luật Công chứng. Ngoài ra, HĐTC nói trên không chỉ sai sót như ông Hải thừa nhận mà còn thể hiện: năm 2010, lúc này ông Cam đã 90 tuổi, theo quy định phải có người làm chứng, người giám hộ, vậy nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện HĐTC này không hề có.

Thay lời kết, người viết mong rằng anh em nhà ông Hường sớm tìm lại được tiếng nói chung, nên ngồi lại với nhau trước khi dắt nhau "đáo tụng đình". Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm và chờ phán quyết của tòa, thì mong rằng tòa án cần xem xét tính pháp lý của HĐTC nói trên để đảm bảo quyền lợi cho 5 anh em còn lại trong gia đình ông Hường.

TRANG TRẦN