Cần xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả
Trước vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các loại thuốc do đối tượng làm giả đưa ra thị trường.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan Công an bắt giữ có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, các thuốc được làm giả này chủ yếu được bán qua mạng, kênh phân phối nhỏ lẻ, chưa phát hiện thấy các sản phẩm này tại các cơ sở khám chữa bệnh do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.
Về quy trình đưa sản phẩm thuốc, vaccine, sinh phẩm ra thị trường, theo Cục Quản lý dược, thuốc phải cấp giấy đăng ký lưu hành mới được lưu thông trên thị trường.
Hiện nay, tất cả thông tin về các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành được công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể tra cứu các loại thuốc qua địa chỉ chính thức là: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc
Theo quy định, tất cả các sản phẩm thuốc, vaccine, sinh phẩm đều phải được kiểm tra, đánh giá, kiểm định trước khi xuất xưởng. Đặc biệt, đối với thuốc hóa dược, tân dược, dược liệu, cổ truyền đều được lấy mẫu để kiểm tra chất lượng; nhất là những thuốc có nguy cơ làm giả cao hoặc có khả năng không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả có sự phối hợp của nhiều phía như: Ngành Y tế, Công an, lực lượng quản lý thị trường phối hợp để việc kiểm tra, giám sát đối với việc phòng, chống thuốc giả. Để công tác phòng chống thuốc giả hiệu quả hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng.
T.N- B.T