Cần xử lý quyết liệt nạn khai thác cát trái phép

Thứ tư, 10/10/2018 08:42

Nhiều năm nay, gia đình ông Võ Tú (trú xã Tam An, H. Phú Ninh, Quảng Nam) không thể sản xuất trên diện tích đất canh tác gần khu vực suối Trà Thai dù đây là mảnh đất từng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập chính. Ông Tú bức xúc: “Nhiều đối tượng ngày đêm khai thác, vận chuyển cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ. Từ 8 sào đến nay diện tích đất của tôi chỉ còn vài trăm mét thì làm sao sản xuất”. Cũng theo ông Tú, thực tế, con suối Trà Thai vốn chỉ rộng khoảng 4 mét, là nơi cung cấp thủy lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp nhưng từ khi “sa tặc” hoành hành con suối này đã trở thành sông, rộng gần 50 mét, sâu hoắm, đục ngầu. Bức xúc vì bị mất đất sản xuất người dân dựng rào chắn, ngăn không cho xe vận chuyển cát ra khỏi địa bàn nhưng rồi các đối tượng vẫn bất chấp, phá dỡ rào để đi.

Theo người dân, “sa tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm và tập kết cát ngay trên bờ sông. Tận dụng lốp xe và ván gỗ, các đối tượng kết thành các bè, kéo rê trên sông để hút cát. Sau khi tập kết đủ số lượng cát, xe vận chuyển vào tận bờ sông chở cát đi đến các công trình xây dựng. Nhiều con đường cũng được các đối tượng ngang nhiên tự mở cho xe vào, để lại các lối mòn đầy ổ voi, bùn lầy. Đưa chúng tôi ra khu vực bờ suối, ông Võ Khắc Nhiên (trưởng thôn An Mỹ 2, xã Tam An) lắc đầu ngao ngán chỉ từng điểm sạt lở. “Mùa nắng còn có thể đứng trên bờ nhìn xuống chứ đến mùa mưa là tất cả bị nhấn chìm vì bờ suối quá hỏng. Trước đây khi chưa có nạn khai thác cát trái phép thì hai bên bờ đất đồi cao có thể xem là kè kiên cố chống lũ lụt nhưng bây chừ tất cả đều bị cuốn trôi, vùi lấp dưới lòng suối”, ông Nhiên trình bày. Đáng nói, thời điểm có sự chứng kiến, ghi nhận của chúng tôi ngay sát mé bờ nhưng dưới nước các đối tượng vẫn ngang nhiên khai thác cát mà không hề lo sợ, cảnh giác. Qua quan sát cũng dễ nhận thấy tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào hai mé bờ. “Chúng quá coi thường pháp luật, vì nguồn lợi trước mắt mà bất chấp tất cả dẫn đến hệ lụy là chúng tôi mất đất sản xuất. Việc này cần phải sớm được xử lý dứt điểm nếu không nhiều tác hại xấu sẽ kéo theo”, ông Trần Hường (trú xã Tam Đàn) bức xúc.

Việc khai thác cát trái phép còn tác động đến môi trường tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị, trình bày mong muốn xử lý dứt điểm lên các cấp, ngành cùng cơ quan chức năng nhưng rồi đâu lại vào đấy. “Các cuộc họp HĐND chúng tôi đều hy vọng sẽ có giải pháp thiết thực ngăn chặn nạn khai thác cát nhưng rồi chờ mãi không thấy ai giải quyết. Có lẽ, đoạn này giáp ranh giữa 3 xã nên việc quản lý của các cấp chính quyền còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở theo kiểu “cha chung không ai khóc”, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Tam Phước) phân tích.

Trên thực tế, để ngăn chặn vấn nạn khai thác cát trái phép, H. Phú Ninh cũng đã hướng dẫn chính quyền 3 xã Tam Đàn, Tam An và Tam Phước ký kết quy chế phối hợp công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.Tuy nhiên, việc phối hợp còn chưa thật sự gắn kết, quyết liệt. Bà Nguyễn Thị Lệ Lài, Chủ tịch UBND xã Tam Đàn cho biết, lực lượng chức năng địa phương cũng đã nhiều lần tổ chức truy đuổi, ngăn chặn “sa tặc” nhưng không hiệu quả vì còn những khó khăn khi chưa có sự đồng bộ của các địa phương. Hơn nữa, chế tài xử lý các đối tượng này còn “mỏng”, vượt ngoài thẩm quyền cấp xã. Trong khi đó, ông Huỳnh Tuấn Nhật, Chủ tịch UBND xã Tam An cho hay, địa phương nhiều lần tổ chức tuần tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, vận động tuyên truyền trong nhân dân. Tuy nhiên phải cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương cũng như cấp trên thì mới thật sự phát huy hiệu quả.

Theo lãnh đạo H. Phú Ninh, hiện nay, UBND huyện cũng đã chỉ đạo, giao cho CAH cùng chính quyền các xã, các đơn vị chức năng phối hợp, xử lý. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có những biện pháp thiết thực, chế tài mạnh tay hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát nhức nhối này.

Phi Nông