Cảng Đà Nẵng gắn kết cùng thương hiệu của Thành phố đáng sống!

Thứ năm, 10/10/2024 19:02

Từ quá khứ đến hiện tại, vùng biển Đà Nẵng luôn có vị trí chiến lược, vị thế giao thương quan trọng. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Ngược dòng lịch sử...

Ngược thời gian về 123 năm trước (1.9.1901), là thời điểm Cảng Đà Nẵng được thành lập bởi Toàn quyền Đông Dương, với mục tiêu là cảng cửa ngõ thay cho cảng đô thị cổ Hội An. Trải qua thời gian, Cảng Đà Nẵng tiếp tục đồng hành và phát triển với Đà Nẵng và miền Trung. Đến ngày 29.3.1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Ban Giao thông liên khu 5 tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất và nhanh chóng tổ chức Cảng Đà Nẵng đi vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa cho tàu các nước XHCN vận chuyển hàng hóa viện trợ cho Việt Nam. Ngày 19.1.1976, Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định số 222/QĐTC thành lập Cảng Đà Nẵng trực thuộc Cục Đường biển Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, do yêu cầu về tổ chức và đổi mới quản lý doanh nghiệp, Cảng Đà Nẵng được Nhà nước bổ sung nhiệm vụ và thay đổi cơ quan chủ quản nhiều lần. Đến ngày 8.5.1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/1998/QĐ-TTg chuyển Cảng Đà Nẵng làm thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Năm 2014, Cảng Đà Nẵng chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty TNHH MTV sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Kể từ đó đến nay, Cảng Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, sản lượng hàng hóa, container, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng hàng hóa tăng trưởng bình quân đạt 8,2%, container đạt 13%, doanh thu đạt 11% và lợi nhuận đạt 16%. Như vậy, sau 10 năm cổ phần hóa, sản lượng tăng hơn 3 lần, container tăng 7 lần, doanh thu tăng hơn 3 lần và lợi nhuận tăng hơn 5 lần. Đây là thành tích rất ấn tượng của Cảng Đà Nẵng trong điều kiện Cảng Đà Nẵng chỉ còn duy nhất 1 khu bến cảng Tiên Sa, do cảng Sông Hàn đã được bàn giao cho thành phố Đà Nẵng phục vụ phát triển du lịch vào năm 2015. Hơn một thế kỷ tuổi đời, với những định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với giai đoạn 2 cảng Tiên Sa đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, Cảng Đà Nẵng vươn tầm mạnh mẽ với 1.700m cầu tàu, tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs, tàu khách đến 170.000 GT, cùng hệ thống phần mềm quản lý, phương tiện thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại, đồng bộ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng Bùi Hồng Trung nhận định, sự phát triển của Cảng Đà Nẵng luôn gắn liền với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng theo suốt chiều dài lịch sử, góp phần chung vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cảng Đà Nẵng là một khâu quan trọng, then chốt trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để đạt được những thành quả trên là do Cảng Đà Nẵng đã sớm chuyển mình, bắt kịp với hơi thở, nhịp thay đổi của nền kinh tế số. Đặc biệt, lãnh đạo cảng luôn quyết tâm tạo ra các thay đổi và tính thích ứng cao với sự biến động của thị trường trong công tác chuyển đổi số nhằm đem lại nhiều lợi ích, giảm chi phí và làm tăng giá trị gia tăng cho khách hàng. Theo đó, Cảng Đà Nẵng đã định hướng và tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, số hóa tối đa tất cả các khâu trong quy trình tác nghiệp, đặc biệt chú trọng hàng container.

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, để có được sự phát triển thuận lợi như vậy, Cảng Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo từ Chính phủ tới các bộ, ngành cũng như Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong vùng. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với địa phương, Cảng Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng. Như vậy, trải qua hơn một thiên niên kỷ thăng trầm theo chiều dài lịch sử của đất nước, đến nay, Cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và là cửa ngõ thương mại không thể thiếu trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của quốc gia, khu vực và thế giới.

Cảng Đà Nẵng được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tặng Cờ Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023.
Toàn cảnh Cảng Tiên Sa thuộc Cảng Đà Nẵng.

3 trụ cột chính phát triển

Cảng Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột: cảng biển, logistics và du lịch/dịch vụ. Trong đó, Cảng biển là mảng kinh doanh chủ lực, việc đẩy mạnh hoạt động logistics với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh cho cảng biển thông qua việc tập trung nguồn hàng và phát triển dịch vụ du lịch theo hướng tận dụng tối đa lợi thế về nguồn lực hiện có và có khả năng phát triển trong tương lai. Với định hướng chiến lược này, Cảng Đà Nẵng dành mọi nguồn lực tập trung cho việc được chấp thuận là nhà đầu tư của hai bến khởi động tại Cảng Liên Chiểu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn trên diện tích 20ha với hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trung tâm này hoạt động theo định hướng ICD tích hợp kho ngoại quan, hải quan, kho nội địa, kho phân phối và kho thương mại điện tử, bãi chứa container.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban Lãnh đạo và toàn thể người lao động, Cảng Đà Nẵng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đều có chung sự “nỗ lực không ngừng cho sự thông suốt, nhanh chóng, an toàn của các dòng hàng hóa, con người và văn hóa vì tin rằng điều đó tạo nên sự thịnh vượng của Quốc gia” đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, xã hội và địa phương ghi nhận. Cảng Đà Nẵng vững tin hơn cho một tương lai tươi sáng, vững bước trên con đường phát triển trở thành một trong những cảng biển hiện đại hàng đầu của cả nước. Với slogan “Kết nối vì sự thịnh vượng”, Cảng Đà Nẵng luôn tâm niệm rằng, hoạt động của cảng ngoài yếu tố doanh lợi thì còn một mục đích lớn hơn, đó là bảo đảm sự thông suốt và nhanh chóng của dòng hàng hóa, con người qua cửa khẩu, góp phần làm cho kinh tế địa phương Đà Nẵng ngày càng phát triển, văn minh và thịnh vượng.

Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết, Cảng Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp toàn diện để trở thành “cảng xanh” hiện đại nhất khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường cũng như hướng tới đáp ứng với các quy định quốc tế về cảng xanh trong lộ trình phát triển tương lai. Hiện, Cảng Đà Nẵng sở hữu hệ thống cầu bến và trang thiết bị hiện đại. Văn hóa Cảng Đà Nẵng đề cao tính chính trực, tận tâm, sáng tạo và tôn trọng cá nhân. Thành công của hiện tại sẽ là đòn bẩy mà cũng là áp lực ở tương lai. Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ luôn là đơn vị tiên phong với chính mình ở địa phương, khu vực cũng như trong ngành hàng hải; không phải chỉ dừng lại những con số báo cáo thường lệ năm sau cao hơn năm trước mà phải luôn nỗ lực phấn đấu là ngày sau hơn ngày trước, ngày mai phải hơn ngày hôm nay; để không ngừng phát triển, luôn tích cực đổi mới toàn diện, góp phần vào sự thành công của hệ thống cảng biển tại khu vực và cùng ngành hàng hải Việt Nam vươn ra biển lớn” - người đứng đầu Cảng Đà Nẵng chia sẻ. Có thể khẳng định, định hướng chiến lược của Cảng Đà Nẵng cũng đã hoàn toàn theo định hướng phát triển chung của thành phố Đà Nẵng và các nội dung liên quan đến hoạt động logistics, cảng biển được nêu trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.

Khẳng định thương hiệu cảng biển có quy mô và hiện đại nhất miền Trung

Cảng Đà Nẵng nằm trong lòng TP. Đà Nẵng, một thành phố năng động đóng vai trò quan trọng của miền Trung. Với vị trí nằm trong vịnh Đà Nẵng rộng trên 100km2 với độ sâu tối đa 17m, bao bọc bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà, che chắn bởi đê chắn sóng dài 450m, Cảng Đà Nẵng rất thuận lợi cho tàu cập và làm hàng quanh năm. Với vị trí vô cùng thuận lợi là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Cảng Đà Nẵng được xem là cảng biển có quy mô hiện đại và quan trọng nhất ở miền Trung. Qua nhiều thời kỳ phát triển với 123 năm, Cảng Đà Nẵng không ngừng tập trung nâng cao dịch vụ khai thác cảng, phục vụ tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng trọng tải lớn; song song là tập trung đầu tư phát triển mạnh dịch vụ logistics, tăng cường kết nối cảng với vùng hậu phương. Nhằm khẳng định tầm vóc, vị thế là cảng biển hiện đại bậc nhất trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, 5 năm trở lại đây, Cảng Đà Nẵng tiên phong chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, đẩy nhanh quá trình giao nhận, nâng cao năng suất, góp phần phát triển kinh tế biển mạnh mẽ để tiến đến là cửa ngõ giao thương quốc tế hàng đầu.

Cảng triển khai phần mềm cảng điện tử ePORT và là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử. Phần mềm cảng điện tử ePORT ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng... Để đẩy nhanh quá trình số hóa, Cảng Đà Nẵng đã xây dựng bức tranh tổng thể là cảng số hóa ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước áp dụng vào vận hành, khai thác và quản trị. Cảng Đà Nẵng đã chuyển đổi số thành công để tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ để tất cả hướng đến mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm”, luôn luôn hướng về khách hàng bảo đảm khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số. Cảng Đà Nẵng luôn phấn đấu nhằm mang lại sự tiện ích nhiều nhất cho khách hàng vì Cảng Đà Nẵng ý thức được rằng: Khách hàng là người quyết định sự tồn tại và phát triển của mình. Cảng Đà Nẵng hiện là đối tác tin cậy của các chủ tàu, chủ hàng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng và khu vực. Đó là động lực để Cảng Đà Nẵng không ngừng phấn đấu trở thành cảng biển hiện đại hàng đầu cả nước.

Cảng Đà Nẵng được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tặng Cờ Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023.

Trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng đã liên tục đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Việc đầu tư xây dựng Dự án bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa còn thể hiện cam kết của Cảng Đà Nẵng trong việc định hướng phát triển cảng theo hướng dịch vụ tàu container, tàu du lịch và tàu trọng tải lớn. Dự án đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận lớn từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng, các đơn vị chức năng Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện dự án, thông qua các công tác định hướng, cung cấp nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi để Cảng Đà Nẵng triển khai Dự án. Dự án góp phần không nhỏ vào sự phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng để Cảng Tiên Sa trở thành cảng container hiện đại trong khu vực. Mặt khác, Cảng Đà Nẵng ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung.

P.V

Vì sao có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” tại các quầy hàng ven biển Đà Nẵng?

Những ngày qua, người dân và du khách cảm thấy “bối rối” khi tại các cửa hàng kinh doanh trên bờ biển khu vực công viên biển Đông và phía Nam nhà hàng Mỹ Hạnh - quận Sơn Trà cùng lúc có 2 biển thông báo

Vì sao dự án cuối cùng chống tràn nước thải ra biển Đà Nẵng lại trễ hẹn?

Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam lại trễ hẹn hoàn thành trong tháng 9-2024.

Đà Nẵng đồng loạt ra quân tho gom rác, xử lý các điểm nghẽn thoát nước

Sáng 22-9, các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục ra quân khơi thông cống rãnh, thu dọn rác che lấp cản trở dòng chảy tại cửa thu nước trên các tuyến đường, kiệt, hẻm trong các khu dân cư và các kênh, hồ để tăng cường khả năng thoát nước trong mùa mưa bão.