Căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah
Căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon tiếp tục leo thang trong 2 ngày qua và có nguy cơ trở thành một cuộc chiến toàn diện. Nhiều nước đang kêu gọi công dân nước mình rời Lebanon "càng sớm càng tốt".
Israel tiếp tục không kích dữ dội Lebanon
Ngày 29-7, Reuters cho biết, máy bay không người lái (UAV) của quân đội Israel đã thực hiện một cuộc tấn công vào thị trấn Shaqra, miền nam Lebanon. Cuộc tập kích khiến 2 người thiệt mạng và ba người khác bị thương. Cũng theo Reuters, đây là cuộc tấn công có thương vong về người đầu tiên của Israel vào Lebanon sau vụ tấn công tên lửa vào Cao nguyên Golan hôm 27-7.
Ngày 28-7, Israel tuyên bố rằng lực lượng Hezbollah sẽ phải "trả giá" sau khi đổ lỗi cho họ về vụ tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan, khiến 12 trẻ em thiệt mạng và 44 người bị thương. Trong khi đó, Hezbollah đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố rằng vụ việc có thể do tên lửa đánh chặn của Israel gây ra. Vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có thể bùng phát trong khu vực.
Để đáp trả cuộc không kích tại Cao nguyên Golan vừa qua, Israel đã đe dọa nhằm vào Hezbollah bằng một "cuộc chiến toàn diện". Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz cho biết vụ việc buộc Israel phải tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah. Phát biểu trên kênh truyền hình Channel 12, Ngoại trưởng Israel nêu rõ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Hezbollah đã vượt qua mọi ranh giới đỏ... Chúng tôi sẽ phải tiến hành một cuộc chiến toàn diện". Ông Katz cũng thông báo rằng Israel có "sự hậu thuẫn hoàn toàn" của Mỹ và châu Âu trong việc chống lại Hezbollah.
Nội các an ninh Israel cũng có cuộc họp khẩn với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vào tối 28-7 nhằm quyết định thời điểm và phạm vi của các hành động quân sự trả đũa. Ngày 28-7, Bộ Giao thông Vận tải Israel đã chỉ thị cho hai cảng biển phía Nam thuộc thành phố Ashdod sẵn sàng thay thế cho hai cảng phía Bắc thuộc thành phố Haifa do khả năng mở rộng và gia tăng giao tranh ở biên giới với Lebanon. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Israel Moshe Ben Zaken cùng ngày đã đến thăm các cảng phía Nam và nhận được bản đánh giá tổng quan về công tác chuẩn bị để xử lý tàu thuyền trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa vào các thành phố phía Bắc và gây tình trạng mất điện. Ông Ben Zaken nhấn mạnh việc Israel phải duy trì trạng thái sẵn sàng cao độ tại các trung tâm giao thông chính, trong đó có việc đảm bảo tính độc lập về năng lượng và các giải pháp hậu cần mạnh mẽ để kiểm soát hiệu quả mọi trường hợp khẩn cấp có nguy cơ xảy ra.
Thủ tướng Lebanon kêu gọi ngừng bắn
Ngày 28-7, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở khu vực miền Nam nước này đồng thời thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên hợp để tránh tình hình leo thang. Trong một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Lebanon, ông Mikati nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Lebanon lên án mọi hình thức bạo lực chống lại dân thường, đồng thời khẳng định lệnh ngừng bắn lâu dài trên mọi mặt trận là giải pháp khả thi duy nhất để ngăn ngừa tổn thất thêm về người và tránh làm tình hình trên thực địa xấu đi. Tuyên bố cho biết thêm rằng Thủ tướng Mikati đã tiến hành một loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao và chính trị để theo dõi tình hình khẩn cấp hiện nay và các mối đe dọa liên tục của Israel đối với Lebanon.
Nhiều nước yêu cầu công dân rời khỏi Lebanon
Theo kênh RT (Nga) ngày 29-7, một số thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đã ban hành cảnh báo du lịch tới Lebanon, kêu gọi công dân của họ ngay lập tức rời khỏi nước này trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah. Đại sứ quán Mỹ tại Lebanon đã ban hành cảnh báo du lịch, kêu gọi người Mỹ "cân nhắc kỹ lưỡng việc đi du lịch tới Lebanon". “Môi trường an ninh vẫn phức tạp và có thể thay đổi nhanh chóng”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đã khuyến cáo "không nên đi du lịch đến Lebanon do những rủi ro liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra" giữa Israel và Hezbollah. Những cảnh báo tương tự đã được đưa ra bởi Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch, cũng như các quốc gia không thuộc NATO, như Ireland và Australia.
Nhiều hãng hàng không lớn cũng hủy chuyến bay đến Beirut. Hãng hàng không Middle East Airlines (MEA) của Lebanon thông báo họ đã quyết định hoãn giờ khởi hành của một số chuyến bay dự kiến hạ cánh tại sân bay quốc tế Rafik Hariri ở thủ đô Beirut vào đêm 28-7, dời lịch sang hạ cánh vào sáng hôm sau. Tập đoàn hàng không quốc gia Đức Lufthansa ngày 29-7 cho biết đã đình chỉ năm tuyến bay đến và đi từ Beirut của các hãng hàng không thuộc tập đoàn này, bao gồm Swiss International Air Lines, Eurowings và Lufthansa, cho đến ngày 30-7, để phòng ngừa trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah.
AN BÌNH