Căng thẳng Mỹ - Âu phủ bóng Hội nghị G7
Ông Trump đến Pháp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 chỉ vài giờ sau khi tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong trận chiến “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã khiến thị trường tài chính chao đảo.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Vladimir Johnson tại một cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-7 hôm 25-8. Ảnh: AP |
Ngày 25-8, các nhà lãnh đạo trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp ở Biarritz, Pháp, trong bầu không khí khá căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế nặng nề đối với rượu vang của nước chủ nhà nhằm đáp trả những mức thuế đánh vào các Cty công nghệ của Mỹ.
An ninh được thắt chặt tuyệt đối trong bối cảnh đã bùng nổ làn sóng người biểu tình phản đối hội nghị G7. Hàng ngàn nhà hoạt động chống toàn cầu hóa, những người đòi ly khai xứ Basque và người biểu tình “Áo vàng” đã tuần hành hòa bình trên khắp biên giới của Pháp với Tây Ban Nha yêu cầu hội nghị Thượng đỉnh G7 phải hành động. Cảnh sát chống bạo động Pháp sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp những người biểu tình. Một máy bay trực thăng của cảnh sát đã lượn nhiều vòng phía trên hàng chục người biểu tình, một số đeo mặt nạ, có hành động khiêu khích cảnh sát.
Nỗ lực trấn an của Tổng thống Trump...
Hội nghị G7 lần này cũng diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu và các nước trên thế giới tranh cãi quanh một loạt các vấn đề gây căng thẳng trong nhiều thập kỷ.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump đã phủ nhận những thông tin về căng thẳng tại hội nghị lần này, đồng thời khẳng định các nhà lãnh đạo “phối hợp với nhau rất tốt”. Trên Twitter, ông Trump viết: “Trước khi đến Pháp, thông tin giả mạo và ghê tởm nói rằng các mối quan hệ với 6 quốc gia khác trong khối G7 là rất căng thẳng, và rằng cuộc gặp 2 ngày sẽ là một thảm họa. Tuy nhiên, chúng tôi đang có những cuộc gặp hết sức hữu ích, các nhà lãnh đạo phối hợp với nhau rất tốt...”.
Tổng thống Trump cũng phủ nhận thông tin cho rằng cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang gây ra mâu thuẫn tại hội nghị G7, nhưng cho biết sẽ kiềm chế nguy cơ tiếp tục leo thang hiện nay. Phát biểu trước báo giới tại Biarritz, nơi Tổng thống Trump nói: “Tôi nghĩ rằng, họ quan tâm tới cuộc chiến tranh thương mại này. Nó phải xảy ra”. Khi được hỏi rằng có phải là các nhà lãnh đạo khác đã chỉ trích cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn hay không, ông Trump khẳng định: “Không, không hề có. Tôi chưa nghe thấy điều đó”.
... không đủ xoa dịu căng thẳng
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về chính sách đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề Iran và việc Pháp áp thuế cao đối với những Cty công nghệ kỹ thuật số khổng lồ trên toàn thế giới cho thấy những bóng mây u ám ở khu nghỉ mát Biarritz lần này.
Ông Trump đến Pháp chỉ vài giờ sau khi tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong trận chiến “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã khiến thị trường tài chính chao đảo. Trong động thái cho thấy rõ sự bất hòa, ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế nặng nề đối với rượu vang Pháp nhằm đáp trả những mức thuế đánh vào các Cty công nghệ của Mỹ. Bước vào cuộc tranh cãi, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, vốn cũng tham gia các cuộc thảo luận về G7, cảnh báo EU sẽ đáp trả “bằng hiện vật” nếu ông Trump hành động như vậy. “Đây có thể là khoảnh khắc cuối cùng để khôi phục cộng đồng chính trị của chúng ta”, ông Tusk nói với các phóng viên hôm 24-8, đưa ra đánh giá ảm đạm về quan hệ Mỹ và Châu Âu.
Sự chia rẽ ngay trong ngày hội nghị còn được thể hiện rõ khi Mỹ và Châu Âu đưa ra thông tin trái ngược về vấn đề Iran. Trong một tuyên bố, Tổng thống Macron cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về hành động chung đối với Iran nhằm mục đích hạ nhiệt căng thẳng và mở ra một cuộc đàm phán mới với Tehran. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phủ nhận thông tin về việc chuyển một thông điệp chung của Nhóm G7 tới Iran về chương trình hạt nhân của nước này như tuyên bố trên của người đồng cấp Pháp Macron. Phát biểu trước các phóng viên bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Biarritz, Pháp, ông Trump khẳng định: “Không, tôi không thảo luận về điều đó. Chúng tôi sẽ triển khai cách tiếp cận của riêng mình. Nhưng bạn không thể ngăn cản mọi người đưa ra ý kiến. Nếu họ muốn phát biểu, họ có thể phát biểu”.
KHẢ ANH
Nguy cơ tan rã! Rõ ràng, khi Tổng thống Emmanuel Macron đứng ra tổ chức hội nghị G7 tại khu nghỉ mát sang trọng bên bờ biển xinh đẹp của Pháp, ông đã kỳ vọng rất nhiều. Mục đích của ông là để các nhà lãnh đạo thảo luận về bất bình đẳng toàn cầu đang gia tăng, căng thẳng thương mại leo thang. Nhưng giờ đây, ông có thể thấy sự kỳ vọng của mình không thể được đáp ứng khi sự thống nhất, niềm tự hào và ảnh hưởng của nhóm đang xuống dốc. Điều này là do G7, hiện đã 44 tuổi và từng là trục chính của giới lãnh đạo toàn cầu, đang bị lôi kéo trên nhiều mặt trận khác nhau. Trước tiên là do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đã biến G7 thành trò chơi “G6+1”, điều này thể hiện rõ trong Hội nghị Thượng đỉnh Quebec năm 2018 ở Canada. Các nhà phân tích cho rằng, ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” tại bữa tiệc của ông Macron, và một lần nữa có thể phá hỏng hội nghị này. Nguyên nhân thứ hai là tất cả các thành viên của G7 đã bị sa lầy trong một số vấn đề - có thể là chính trị, đảng phái, kinh tế, xã hội hoặc ngoại giao. Kết quả là, “câu lạc bộ lãnh đạo hàng đầu” này đang mất dần sức hấp dẫn, tính hợp pháp và thậm chí khả năng đứng vị trí lãnh đạo toàn cầu. Bất chấp hy vọng của Tổng thống Macron cho hội nghị thượng đỉnh năm nay, sự bất hòa là sẽ không thể tránh khỏi vì Mỹ và “G6” đã không nhất trí với hầu hết mọi thứ từ thương mại đến an ninh. Trước khi lên đường sang Pháp, ông Trump cũng khá hoài nghi không biết mình có phí thời gian cho sự kiện này hay không. Sau 2 lần tham dự tại Italia và Canada, Tổng thống Trump phàn nàn rằng, hội nghị không mang lại kết quả xứng đáng với thời gian ông bỏ ra. Và thực tế đang chứng minh, ông Trump không thực sự quan tâm đến G7. Và hy vọng về một cuộc họp thành công trong năm nay là rất mong manh khi Tổng thống Macron đã phải thừa nhận rằng hội nghị có thể kết thúc mà không đưa ra tuyên bố chung. THANH VĂN |