Căng thẳng Nga-Mỹ: Hết "đấm" rồi lại "xoa"

Thứ bảy, 17/04/2021 09:19

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15-4 kêu gọi giảm leo thang căng thẳng sau khi tuyên bố các lệnh trừng phạt Nga vì cáo buộc tấn công mạng và can thiệp bầu cử.

Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Hội đàm- Trừng phạt

Tổng thống Joe Biden tuyên bố: "Đã đến lúc Mỹ và Nga giảm leo thang căng thẳng. Con đường phía trước là thông qua quá trình đối thoại và ngoại giao chu đáo". Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm đầu tuần này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã bày tỏ lập trường rõ ràng rằng Mỹ và Nga có thể đã "tiến xa hơn" nhấn mạnh rằng Washington "không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột" với Moscow. Ông Biden khẳng định rằng sau cuộc trao đổi trực tiếp giữa ông và Tổng thống Putin, Mỹ và Nga có thể thiết lập "một mối quan hệ hiệu quả hơn" và ông chủ Điện Kremlin cũng "nhất trí" với quan điểm này. Theo ông Biden, đề xuất của ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga vào mùa hè này tại Châu Âu sẽ là cơ hội để khởi động một cuộc đối thoại chiến lược ổn định. Hiện ông Putin vẫn chưa có phản ứng nào trước lời mời của ông chủ Nhà Trắng, song ông Biden cho biết nội các của ông đang thảo luận về khả năng này ngay bây giờ.

Trước đó, bất chấp việc Tổng thống Biden đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga, ngày 15-4, Mỹ vẫn công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao nước này trong động thái đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là "sự can thiệp" của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.

Chỉ vài tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin đã cảnh báo Mỹ có thể dùng đến việc tấn công trái phiếu như một phần của "một sự tính toán có chủ ý để gây ảnh hưởng cho chứng khoán Nga nhằm giảm tiềm năng đầu tư". Ông tiết lộ Nga đã và đang làm việc nhằm hạn chế ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt như vậy đối với nền kinh tế. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan bảo vệ động thái này, nói rằng gói trừng phạt bao gồm "các biện pháp tương xứng để bảo vệ lợi ích của Mỹ trước những hành động của Nga".

Tuy nhiên, ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ, trả lời rằng "bây giờ đến lượt chúng tôi phải buộc Mỹ chịu trách nhiệm vì đã thúc đẩy các cáo buộc không có cơ sở và các động thái không thân thiện. Đó là cách hoạt động trong ngoại giao". Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ sớm đáp trả gói trừng phạt mới mà Tổng thống Joe Biden công bố nhằm vào nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng, việc trả đũa đối với động thái này là "không thể tránh khỏi" và Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan đã được triệu tập. "Tôi hầu như không nói điều này trước đây, nhưng tôi có thể nói bây giờ: Đó sẽ không phải là một cuộc gặp gỡ dễ chịu đối với ông ấy", bà Zakharova nhấn mạnh.

Mỹ muốn "trên cơ"?

Chuyên gia Lev Sokolschik, cán bộ khoa học của Trung tâm nghiên cứu tổng hợp các vấn đề Châu Âu và quốc tế thuộc Đại học nghiên cứu nhà nước HSE của Nga có bình luận về việc Nhà Trắng áp đặt một loạt biện pháp đối với Nga nhưng lại đề nghị đàm phán.

Theo ông Sokolschik, Mỹ đang tiếp tục chính sách kiềm chế Nga trên tất cả các phương diện quan trọng bao gồm kinh tế, quân sự, chính trị và dùng việc gây sức ép ở những lĩnh vực Mỹ có quan tâm để giành chiến thắng trước Nga. Mỹ đã thực hiện theo lộ trình: Thông báo đề nghị hội đàm thượng đỉnh, đàm phán rồi áp đặt trừng phạt để đối thoại với Nga với thế mạnh cao hơn, chuyên gia Nga nhận định. Tuy nhiên, dựa trên bản chất mối quan hệ Nga-Mỹ luôn mang tính đối đầu, những hành động của Mỹ sẽ lập tức nhận đáp trả từ Nga.

Hội nghị thượng đỉnh có thành hiện thực?

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xấu đi, dư luận băn khoăn rằng liệu cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống hai nước có thành hiện thực. Điện Kremlin cho biết hội nghị thượng đỉnh được đề xuất "ở một nước thứ ba trong những tháng tới" sẽ không thể tổ chức trong thời gian ngắn như vậy.

Theo nhận định của giới phân tích, Nga và Mỹ nhận thức rõ về tầm quan trọng của một mối quan hệ song phương ổn định nhưng "không thể kiềm chế phô trương sức mạnh". Mỹ đang nỗ lực duy trì vị thế của mình trong khi mục tiêu của Nga là phát triển thành một nền kinh tế mạnh, vì vậy hai bên có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập lại mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, hai cường quốc này không có ý định "quay lưng lại với nhau" và ý thức được sự cần thiết phải đối thoại. Chính quyền Biden không đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác với Nga mà sẽ để ngỏ cho những tương tác có chọn lọc về các vấn đề mà các bên có cùng lợi ích hoặc ở những lĩnh vực mà cả hai bên đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết.

Về khả năng thúc đẩy hợp tác Nga-Mỹ trong một số lĩnh vực, các nhà quan sát cho rằng không có nhiều khía cạnh để hai bên thúc đẩy hợp tác trong vấn đề an ninh. Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực khác được cho là rất hứa hẹn đối với hợp tác Mỹ-Nga, như hoạt động không gian vì mục đích hòa bình, chống biến đổi khí hậu, vấn đề Trung Đông, Bắc Cực, dịch bệnh truyền nhiễm.

AN BÌNH