Căng thẳng Nga- Ukraine tiếp tục leo thang

Thứ tư, 14/04/2021 15:40

Một binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và một binh sĩ khác bị thương do trúng đạn pháo của lực lượng ly khai miền Đông hôm 12-4. Vụ việc được ví như "mồi lửa" cho "chảo dầu" miền Đông Ukraine vốn đã "nóng" từ nhiều ngày qua.

Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh 4 bên Normandy Four ngày 9-12-2019 ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Anh điều 6 chiến đấu cơ tới Đông Âu

Theo tờ Dailymail, các quan chức Bộ Quốc phòng Anh tối 12-4 đã xác nhận thông tin sẽ triển khai 6 máy bay chiến đấu Không quân Hoàng gia Anh Typhoon tới Romania để kiểm soát bầu trời quanh Biển Đen.

Các máy bay Typhoon sẽ nhận hỗ trợ từ binh sĩ thuộc Phi đoàn Hậu cần Viễn chinh số 1 và Phi đội Vận tải Cơ khí số 2 của Không quân Hoàng gia. Các máy bay sẽ triển khai từ căn cứ ở Anh trong tuần này. Triển khai máy bay Typhoon là một phần trong sứ mệnh kiểm soát trên không thường niên của NATO mang tên Chiến dịch Biloxi. 100 lính bộ Anh cũng dự kiến được điều tới Ukraine để tham gia tập trận chung với binh sĩ Ukraine trong mùa hè này. Bộ Quốc phòng Anh nói: "Chiến dịch Biloxi là cuộc triển khai máy bay Typhoon tới Romania đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm ủng hộ sứ mệnh kiểm soát trên không của NATO để giám sát không phận đồng minh của chúng tôi". Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh khẳng định việc triển khai 6 máy bay Typhoon là hoạt động thường lệ, song động thái lại diễn ra vào thời điểm dư luận ngày càng lo ngại về xung đột giữa Nga và Ukraine.

Giới chức Ukraine cho biết, đã có 27 binh sĩ nước này thiệt mạng tại chiến trường miền Đông kể từ đầu năm đến nay. Các vụ đụng độ giữa 2 bên đã khiến căng thẳng ở miền Đông Ukraine không ngừng gia tăng. Chính phủ Ukraine và các phe ly khai miền Đông đã đổ lỗi cho nhau về những căng thẳng này. Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc chính phủ Ukraine có những "hành động khiêu khích nguy hiểm" ở khu vực Donbass, nhằm vào lực lượng ly khai. Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra sau khi truyền thông dẫn một số tin cho rằng, Ukraine có thể chuẩn bị tấn công vũ trang để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tại Donbass.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định, Moscow sẽ không "thờ ơ và thụ động" với số phận của những người nói tiếng Nga sống ở khu vực Đông Nam quốc gia láng giềng.

Nga có hơn 80.000 quân ở biên giới?

Trên thực tế, những tuần qua, Nga đã điều thêm binh sĩ và các khí tài quân sự tới bán đảo Crimea và các khu vực biên giới tiếp giáp với Ukraine. Người phát ngôn Tổng thống Ukraine Iuliia Mendel ngày 12-4 cho biết, Nga đã điều hơn 40.000 lính đến biên giới phía đông Ukraine và hơn 40.000 lính đến Crimea.

Nga cho biết đó chỉ là diễn tập, không phải mối đe dọa. Moscow cho rằng, động thái này là "hành động phù hợp" với tình hình hiện tại, và khẳng định Nga sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine. Trước đó, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng tuyên bố sự di chuyển quân của Nga trên lãnh thổ nước này không gây lo ngại cho các nước khác vì Nga không đe dọa bất kỳ nước nào, trong đó có Ukraine. Ông Peskov khẳng định Nga sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp NATO triển khai quân tới Ukraine.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông quan ngại về số lượng binh lính Nga đang tập trung ở biên giới Ukraine và cảnh báo Moscow "sẽ phải gánh hậu quả". Ông Blinken cũng cho biết thêm rằng Mỹ đang bàn bạc với các đồng minh và đối tác về các động thái đang diễn ra của Nga ở biên giới sát Ukraine.

Ukraine mời gọi Mỹ và phương Tây đến "nhà"

Chính quyền Ukraine cho rằng, Mỹ nên triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot trên lãnh thổ Ukraine. Thông tin này được người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time. Ông Yermak nói: "Ukraine giữ tuyến phòng thủ chống Nga không chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì lợi ích của phương Tây. Nhưng Mỹ triển khai tên lửa Patriot của họ ở đâu? Những hệ thống gần nhất là ở Ba Lan. Chúng nên ở đây (Ukraine) mới phải".

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky cho rằng, việc di chuyển quân đội Nga gần biên giới Ukraine là nhằm đe dọa Kiev và các nước phương Tây. Theo ông, Nga được cho là có ý định "khiến tình hình căng thẳng đến mức thể hiện sự thiếu quyết đoán của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine". Hiện, Ukraine đang hối thúc phương Tây gây sức ép với Nga thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Trong một tuyên bố hôm 12-4, Bộ Ngoại giao Ukraine đã yêu cầu Nga chấm dứt những gì mà Kiev cho là "sự ngụy biện quân sự và thông tin sai lệch". Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết thêm, bất cứ giải pháp nào cũng phải tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào năm 2015 tại Minsk. Bà Yulia Mendel, người phát ngôn của Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh, đàm phán là cách thức duy nhất để giải quyết căng thẳng. "Đây là lý do tại sao chúng tôi thúc đẩy các cuộc đàm phán theo thể thức Normandy", bà Yulia Mendel cho biết, ý nói tới các cuộc đàm phán của Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine. Phía Ukraine cho biết thêm, nước này cũng đề xuất tổ chức cuộc đàm phán "một-một" với Tổng thống Putin, tuy nhiên người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định chưa nhận được đề nghị như vậy.

AN BÌNH