Canh bạc nhiều rủi ro

Thứ sáu, 10/03/2017 07:57

(Cadn.com.vn) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra nhiều dấu hiệu sớm cho thấy quyết tâm “tiêu diệt tận gốc” nhóm khủng bố cực đoan IS tại Syria và cả Iraq.

Ông Trump hồi tháng trước  yêu cầu Lầu Năm Góc đưa ra các lựa chọn cho nỗ lực “đẩy nhanh” các cuộc tấn công đánh bật IS ra khỏi các thành trì của chúng. Sau đó, các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc trình Nhà Trắng một kế hoạch mới để đánh bại IS. Kế hoạch đề ra của Lầu Năm Góc, trong đó nhắm trọng tâm tăng số lượng binh sĩ Mỹ ở Syria nhằm cố vấn và hỗ trợ tốt hơn các tay súng Syria được Mỹ ủng hộ đang được thực hiện dần dần.

Trong khuôn khổ chuẩn bị cho cuộc chiến nhằm đánh bật IS khỏi thành phố Raqqa, thủ phủ tự xưng của IS, 200 lính thủy cùng nhiều pháo hạng nặng của Mỹ đã được triển khai vào Syria từ ngày 9-3. Việc triển khai trên mang tính tạm thời, nhưng đây là dấu hiệu sớm cho thấy Nhà Trắng đang thiên về xu hướng cho phép Lầu Năm Góc có khả năng linh hoạt lớn trong việc đưa ra các quyết định tác chiến thông thường trong cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, kế sách quan trọng hơn nữa là việc điều quân đến Kuwait, quốc gia láng giềng với Iraq. Nhà Trắng đang cân nhắc việc triển khai 1.000 binh sĩ đến Kuwait để phục vụ như một lực lượng dự bị trong cuộc chiến chống IS khi các phe phái nổi dậy được Washington ủng hộ đang đẩy nhanh cuộc tấn công ở Syria và cả Iraq. Lầu Năm Góc tuyên bố, việc triển khai binh sĩ này khác với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Kuwait.

Chưa rõ liệu đề xuất này có được Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chấp thuận hay không, nhưng hiện nó đang làm dấy lên nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ phương án này, cho rằng, việc này sẽ giúp quân đội Mỹ linh hoạt hơn, nhanh chóng đáp ứng những cơ hội và thách thức không lường trước được trên chiến trường. Nó cũng thể hiện bước đi thực tiễn khác với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama – nhà lãnh đạo vốn không thể dứt khoát trong quyết định cuối cùng về việc có nên triển khai lực lượng dự bị ở Kuwait hoặc Iraq hay không. Chính quyền cựu Tổng thống Obama thường bị cáo buộc vi phạm ngay cả những chi tiết chiến thuật nhỏ nhất về cuộc chiến chống lại IS, cân nhắc việc sử dụng máy bay trực thăng hoặc điều chuyển binh sĩ.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối đã chỉ trích chính quyền ông Trump sẽ gánh hậu quả lớn không thể lường trước nếu quyết định điều quân đến Kuwait.

Thanh Văn