Cảnh báo hậu họa do chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép
Cụ thể, ca bệnh N.H.K (2008, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được chuyển viện cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, cổ, mặt, cánh tay hai bên và mắt không nhìn thấy. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp XQ, CT cho thấy, bệnh nhân bị tràn khí vùng cổ 2 bên, tụ máu khí trung thất trên, xẹp thùy phổi phải, mất xương bàn tay phải, trái, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu phải. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Do dị vật ở nhiều vị trí, bệnh nhân đa chấn thương nặng nên bệnh viện đã phối hợp, chuyển nhiều khoa như Gây mê hồi sức, Ngoại chấn thương, mắt, răng – hàm mặt, tai – mũi – họng, Ngoại lồng ngực, Ngoại bỏng để phẫu thuật. Hiện bệnh nhân còn hôn mê, thở máy, vết thương nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng huyết cao, bệnh tiên lượng nặng, đang được điều trị tích cực tại khoa gây mê hồi sức.
Thứ đến là bệnh nhân N.T.H (2005, trú huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở cổ tay, cánh tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải; dập nát bàn tay phải, bỏng mặt, mắt không nhìn thấy. Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương, cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.
Còn bệnh nhân N.V.Đ (1999, trú quận Cẩm Lệ) thì nhập viện cấp cứu trong tình trạng tổn thương cổ tay và dập nát các ngón tay 1,2,3,4 bàn tay phải; gãy hở 2 ngón bàn tay phải kèm vết thương nham nhở, nhiều dị vật, chảy máu nhiều và nhiều tổ chức hoại tử. Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật vết thương bàn tay, khâu nối cơ đứt, sử mỏm cụt các ngón 1,2,3,4 bàn tay phải, không thể bảo tồn được các ngón tay.
Bác sĩ Ngô Hạnh - Phó khoa Ngoại Chấn Thương Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân cho biết, các ca bênh này nghi có liên quan đến pháo nổ tự chế. Đối với những trường hợp liên quan đến pháo nổ tự chế thì thường nạn nhân sẽ bị tổn thương đa cơ quan. Bàn tay bệnh nhân thường bị dập nát, do sức ép từ pháo nên phổi sẽ bị dập và tổn thương. Đặc biệt là có thể bỏng giác mạc, hỏng mắt và khí độc có thể tràn vào phổi gây tổn thương phổi.
Trước vấn đề trên bác sĩ Ngô Hạnh khuyến cáo đến các gia đình, đồng thời các nhà trường cần quan tâm, có những buổi khuyến cáo các em không tự tìm tòi, chế tạo pháo. Vì khi có sự cố xảy ra thì thương tật để lại cho các em rất lớn, bàn tay sẽ không thể cầm nắm các vật bình thường, thậm chí gây mù lòa cho các em.
Có con trai là N.T.H (19 tuổi, Quảng Ngãi) đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, ông Nguyễn Tấn Dự mong muốn các bậc cha mẹ, phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn. Đặc biệt là lứa tuổi trẻ đang phát triển để tránh trẻ tò mò, học hỏi về các loại pháo nổ gây nguy hiểm cho chính con em và xã hội.
Đinh Nga