Cảnh báo hậu quả dùng dao lam cắt rốn trẻ sơ sinh tại nhà

Thứ ba, 21/02/2017 09:20

(Cadn.com.vn) - Sáng 20-2, Ths.Bs Lê Đình Nhân, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp bé sơ sinh nguy kịch do nhiễm uốn ván sau khi được người nhà tự cắt rốn bằng dao lam. Bệnh nhân được xác định là cháu Y Đa Phúc (10 ngày tuổi, trú thôn Ea Mtă, xã Ea Bhốc, H. Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc).

Theo thông tin từ bác sĩ Nhân, cháu Y Đa Phúc nhập viện vào 13 giờ ngày 19-2 trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốt, co giật toàn thân, bỏ bú. Người nhà cho biết, sau khi sinh tại nhà, cháu Y Đa Phúc được người thân dùng dao lam cắt rốn. Trên cơ sở kết quả thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu Y Đa Phúc bị uốn ván rốn ủ bệnh 7 ngày. Do dó, các bác sĩ tiến hành chích kháng sinh, tiêm kháng huyết thanh chống uốn ván cho bệnh nhân. Cháu Y Đa Phúc được cách ly và chăm sóc toàn diện. Hiện bệnh nhân đã giảm tình trạng co giật, thở đều nhưng phản xạ thấp, dịch nâu bẩn.

Điều đáng nói, cháu Y Đa Phúc không phải là trường hợp đầu tiên bị nhiễm uốn ván do cắt rốn bằng dao lam. Từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc tiếp nhận 4 trường hợp tương tự, trong đó có 2 ca đã tử vong. Cụ thể, vào đầu tháng 2-2017, đứa con hơn 10 ngày tuổi con của chị H'Ngọc (trú tại xã Yang Réh, H. Krông Bông) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch do nhiễm uốn ván. Làm việc với các bác sĩ, chị H'Ngọc cho biết, trong quá trình mang thai chị không đi tiêm ngừa uốn ván. Đến ngày 2-2, phát hiện có dấu hiệu trở dạ nhưng chị H'Ngọc không đến bệnh viện, cơ sở y tế mà nhờ bà đẻ đến đỡ đẻ và cắt rốn ngay tại nhà bằng dao lam. Cho đến khi phát hiện con mình bị sốt, co giật liên tục thì gia đình sản phụ này mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cháu Y Đa Phúc đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Cũng trong đầu tháng 2-2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc tiếp nhận trường hợp bé trai gần một tuần tuổi (con của chị H'Măn Bdap, trú buôn Rung, TT Buôn Trấp, H. Krông Ana) bị uốn ván rốn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đến bệnh viện, cháu bé đã tử vong. Được biết, chị H'Măn sau khi sinh con tại nhà cũng được bà đỡ dùng dao lam cắt rốn.

Tương tự, trong lúc mang thai, chị H'Mươn Ea Nuôl (trú tai xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) chưa từng đi khám định kì cũng như tiêm phòng uốn ván cho thai nhi. Cho đến cuối tháng 12-2016, chị H'Mươn hạ sinh một cậu con trai ngay tại nhà và được bà đỡ đẻ cắt rốn bằng dao lam, rồi quấn bằng khăn khô. Chỉ vài ngày sau đó, cháu bé có dấu hiệu sốt cao, chân tay co quắp nên người nhà đưa đến bệnh viện thì được chẩn đoán nhiễm uốn ván. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng vào ngày 11-1-2017, cháu bé đã tử vong trước sự đau đớn của người thân, gia đình.

Theo bác sĩ Nhân, bệnh nhiễm uốn ván có tỷ lệ tử vong lên hơn trên 90%. Hầu hết bệnh nhân đều là con của người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên kiến thức về sinh sản gần như không có. Để hạn chế hậu quả đau lòng từ nhiễm uốn ván và sinh con tại nhà, các cơ quan chức năng, đoàn thể tại địa phương phải kết hợp với trung tâm y tế dự phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ nữ mang thai tích cực tiêm phòng uốn ván trước sinh. Đồng thời, duy trì việc khám thai định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ cần tìm đến bệnh viện, các cơ sở y tế để sinh con, tuyệt đối không được chủ quan, tự sinh, cắt rốn ở nhà.

Bác sĩ Nhân nói thêm: "Do hầu hết bệnh nhân đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa nên chúng tôi cũng đề nghị đội ngũ y tế tại thôn, buôn cần phát huy vai trò, giám sát các bà mẹ đang mang thai để vận động, tuyên truyền, hỗ trợ trong trường hợp không kịp đến bệnh viện. Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng dùng dao lam tự cắt rốn cho trẻ sơ sinh tại nhà. Bên cạnh nguy cơ nhiễm uốn ván, việc sinh con tại nhà còn gây ra nhiều hậu quả khó lường. Đối với trẻ sơ sinh, do không được xử lý kịp thời, khoa học nên dễ bị ngạt, nhiễm trùng. Đồng thời, rất khó để xử lý, cấp cứu các biến chứng của sản phụ sau khi sinh như: băng huyết, xót nhau, tử cung bị nhiễm trùng…".

Nguyên Trịnh