Cảnh báo mất an toàn tại các bãi biển

Thứ tư, 10/06/2020 17:26

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng liên tục gia tăng, người dân và du khách đã nườm nượp kéo đến các bãi biển trên địa bàn TP Đà Nẵng để "giải nhiệt". Một số bãi biển trên địa bàn TP đã rơi vào tình trạng quá tải, kéo theo những nguy cơ mất an toàn cho người lẫn tài sản. Đáng nói, vẫn có nhiều người dân bất chấp tắm tại những khu vực cấm có nguy cơ đuối nước cao.

Người dân đậu xe máy kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường Nguyễn Tất Thành, chắn hết các lối xuống biển.

Tại bãi tắm Hòa Minh (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) vào những chiều cuối tuần thường xuyên diễn ra tình trạng quá tải do người dân tập trung vui chơi, tắm biển. Vỉa hè trở thành địa điểm gửi xe, buôn bán. Xe máy, ô-tô đậu chật cứng tràn xuống cả lòng đường; bàn ghế của các quán hàng bày la liệt chắn hết các lối xuống biển. Thậm chí, một số phương tiện ô-tô ngang nhiên dừng xe ngay giữa lòng đường đón trả khách, mặc kệ tiếng còi xe inh ỏi của các phương tiện phía sau.

Chị Nguyễn Thị Nhung (1995, trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) cho biết: "Hôm nay chủ nhật nên người tắm biển đông nghịt. Tôi chạy 500m rồi nhưng không có chỗ đậu xe, các điểm giữ xe đều từ chối nhận khách vì đã hết chỗ. Tôi đành để tạm xe bên vệ đường  xuống tắm lát lên nhưng cũng nơm nớp lo sợ mất xe lẫn đồ đạc".

Tình trạng mất an toàn không chỉ diễn ra trên đường mà ngay ở dưới bãi biển nguy cơ đuối nước vẫn luôn rình rập. Tại bãi tắm Phú Lộc (P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê) không nhiều người chấp hành khuyến cáo bảo đảm an toàn khi tắm biển. Nhiều người không biết bơi, trẻ em đều không trang bị phao cứu sinh, áo phao vẫn vô tư tắm biển, đùa nghịch phía xa, vượt qua giới hạn cảnh báo nguy hiểm. Hiện nay, ở mỗi bãi tắm, lực lượng chức năng bố trí 2 cứu hộ và bảo vệ thường xuyên túc trực. Tuy nhiên với số lượng người tắm biển đông đúc và sự thiếu ý thức của người tham gia tắm biển khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Ô-tô đậu xe trên lòng đường Nguyễn Tất Thành trả khách. 

Anh Nguyễn Hữu Tại - bảo vệ bãi tắm Phú Lộc cho hay: "Mặc dù chúng tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người nên tắm biển tại khu vực an toàn và khuyến cáo phụ huynh mặc áo phao cho con, tuy nhiên rất ít người thực hiện. Có nhiều trường hợp bố mẹ mãi mê tắm biển để thất lạc con rồi dáo dác đi tìm".

Để đảm bảo an toàn, tại một số khu vực, cơ quan chức năng đã lắp đặt biển báo cấm tắm biển trong bán kính 200m hoặc 600m. Đây là khu vực nước sâu, thường xuyên xuất hiện dòng nước nghịch và không có đội ngũ cứu hộ giám sát. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm và lời kêu gọi của các cơ quan chức năng xuống khu vực nguy hiểm này tắm biển.

Anh Nguyễn Xuân Thọ - cứu hộ tại tổ 14 bãi tắm Phú Lộc chia sẻ: "Việc tắm biển tại những khu vực cấm không khác gì đùa giỡn tính mạng của mình. Trong thời gian chuyển mùa này thường dễ xuất hiện các dòng chảy nghịch. Đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ đuối nước từ trước đến nay".

Người dân vẫn tắm tại khu vực cấm ở biển Xuân Thiều (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu).

Cùng với những nguy cơ đuối nước, tai nạn giao thông thì vấn đề tụ tập buôn bán đồ ăn, thức uống tại các khu vực cấm ở dọc đường Nguyễn Tất Thành cũng gây mất mỹ quan đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các xe bánh bao, bánh mì, xiên que, các quán nước vỉa hè "mọc" như nấm sau mưa. Không chỉ trẻ nhỏ mà cả những người lớn tuổi sau khi tắm biển đều chờ đến lượt mua đồ ăn, thức uống mà không một ai đặt nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Nhường - Phó Chủ tịch Q. Liên Chiểu cho biết: "Trước tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để dựng xe, đội quy tắc đô thị sẽ ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt.Trong thời gian tới, lực lượng chức năng của quận và UBND các phường  cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ vi phạm tại bãi biển; xử lý các trường hợp bán hàng rong trên vỉa hè nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tắm biển cũng như bảo vệ mỹ quan, trật tự đô thị".

NGUYỄN LIÊN