Cảnh báo tình trạng học sinh trầm cảm vì nghiện internet
(Cadn.com.vn) - Qua thực hiện khảo sát mức độ sử dụng internet của học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đưa ra kết luận, mức độ nghiện internet càng cao thì khả năng mắc bệnh trầm cảm càng nhiều. Ở lứa tuổi học sinh đang hình thành và phát triển mạnh mẽ về nhân cách, xác lập giá trị cuộc sống và các quan hệ xã hội, tuy nhiên việc học sinh dành nhiều thời gian cho internet sẽ khiến các em tự cô lập bản thân với thế giới thực bên ngoài, tách mình ra khỏi các mối quan hệ xã hội thực tế và đi vào các quan hệ ảo trên mạng, khiến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm càng lớn.
Bị trầm cảm vì nghiện internet ngày càng tăng
Qua khảo sát mức độ sử dụng internet ở 316 học sinh ở cả 4 khối (lớp 6, 7, 8, 9) thuộc trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong thời gian từ tháng 12-2015 đến 3-2016, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho hay, trong tổng số 316 học sinh thực hiện khảo sát thì có 220 học sinh sử dụng internet ở mức độ bình thường; có 96 học sinh nghiện internet. Trong số 96 học sinh nghiện internet thì có 59 học sinh nghiện ở mức độ nhẹ; mức độ nghiện vừa có 33 học sinh; mức độ nghiện nặng là 4 học sinh.
Qua trao đổi, trò chuyện với học sinh, cô giáo chủ nhiệm các lớp cũng đã cho thấy tình trạng học sinh sử dụng internet ngày càng nhiều. Hiện nay, đa phần các em học sinh đều có điện thoại di động kết nối mạng 3G, máy tính kết nối internet tại nhà. Vì thế, thời gian rảnh ngoài việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho học tập, các em đều vào các trang mạng xã hội để giải trí như chơi game, lướt facebook... Có nhiều em học sinh còn trốn học, nói dối bố mẹ xin tiền để đi chơi game online.
ThS. Lê Thị Phi – thành viên nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm cho biết thêm: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 96 em nghiện internet ở học sinh THCS thì tỷ lệ nghiện theo khối lớp có sự khác biệt rõ rệt và tăng dần lên theo từng khối lớp. Điều này cho thấy, học sinh học ở lớp cao hơn thì số lượng nghiện internet nhiều hơn. Từ việc điều tra thực tế, quan sát và trò chuyện với giáo viên cho thấy tình trạng học sinh trốn học đi chơi game nhiều thường là tập trung ở khối lớp 8 – 9 và tỷ lệ học sinh nam nghiện gấp đôi học sinh nữ”.
Bà Đinh Thị Tuyên – thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm: Kết quả điều tra 96 học sinh nghiện internet cho thấy có 59 học sinh trầm cảm, chiếm 61,5%. Qua phương pháp trò chuyện, quan sát, dự giờ ở lớp, chúng tôi nhận thấy ở những em nghiện internet thỉnh thoảng có cảm giác buồn (sắc mặt thường ít tươi, hay buồn rầu, cáu gắt). Ngoài ra, ở một số em còn hay ngồi một mình, ít chơi với bạn bè trong lớp; một số em không có bạn thân. Khi trò chuyện, ở một số em nhận thức về tương lai và hiện tại của mình cho rằng “rất chán nản về tương lai và không hy vọng gì về tương lai sau này”. Khi cảm nhận về bản thân, các em thường cho rằng mình rất xấu xa, có lỗi rất nhiều với người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các em thường không thích thú với cuộc sống xung quanh mình, không muốn nói chuyện với mọi người. Từ đó cho thấy, mức độ trầm cảm ở học sinh nghiện internet hiện nay đang ở mức báo động. Đây là những con số đáng báo động, nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ để lại nhiều tác động tiêu cực cho các em cũng như gia đình và xã hội.
Từ kết quả này cho thấy mức độ nghiện internet càng cao thì khả năng mắc bệnh trầm cảm càng nhiều. Ngược lại việc dành nhiều thời gian cho internet thì đồng nghĩa với việc rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội thực tế và đi vào các quan hệ ảo trên mạng. Việc dành nhiều thời gian cho internet sẽ khiến các em tự cô lập bản thân với thế giới thực bên ngoài. Và nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ dẫn đến trầm cảm rất lớn.
Học sinh có mức độ nghiện internet càng cao thì khả năng mắc bệnh trầm cảm càng nhiều (ảnh minh họa). Ảnh: B.Nam |
Hướng học sinh đến các hoạt động vui chơi lành mạnh
Theo ThS. Lê Thị Phi, hiện nay, học sinh đang đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống hằng ngày như: Bạo lực học đường, vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, bố mẹ, áp lực học tập cùng với những kỳ vọng của cha mẹ, của xã hội đối với các em... Trong khi đó, lứa tuổi học sinh là giai đoạn của quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ về nhân cách, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, năng lực giải quyết vấn đề khó khăn còn hạn chế, nên trước áp lực nhiều mặt của cuộc sống dễ gây cho các em trầm cảm.
“Chính vì vậy, nhà trường cần cung cấp các kiến thức để nâng cao nhận thức cho học sinh về những ảnh hưởng tiêu cực của internet đối với cuộc sống, đặc biệt là vấn đề nghiện internet, từ đó giúp các em nâng cao tầm hiểu biết và có thái độ đúng đắn khi sử dụng internet. Cần thường xuyên giới thiệu các trò chơi lành mạnh, mang tính chất giáo dục và động viên, khuyến khích học sinh tham gia, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động thể thao hấp dẫn, bổ ích, phù hợp để lôi cuốn học sinh tham gia. Các cơ quan quản lý cần xây dựng chế tài rõ hơn về việc chơi game online và sản xuất game online, các cơ sở dịch vụ internet... Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet trên địa bàn, củng cố lại theo quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thực hiện theo đúng quy định. Xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm và đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ internet”, ThS. Lê Thị Phi chia sẻ.
Ngoài ra, gia đình, phụ huynh phải định hướng cho con em về việc sử dụng internet một cách hợp lý, đặc biệt là đối với các em ở lứa tuổi học sinh THCS; cần dành nhiều thời gian gần gũi, lắng nghe, quan tâm và chia sẻ với con em mình, tham gia các hoạt động cùng con để tạo không khí gia đình thân mật, ấm cúng, làm chỗ dựa vững chắc để giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi phát hiện con em mình có những vấn đề sức khỏe tâm thần thì cần có biện pháp hỗ trợ tích cực.
Đối với bản thân học sinh, cần xây dựng thời gian biểu một cách khoa học để có sự phân bố thời gian học tập, lao động, vui chơi giải trí hợp lý; có kế hoạch ôn thi cụ thể, khoa học, hợp lý để tránh stress; tham gia các hoạt động trò chơi lành mạnh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, người thân và thầy cô giáo... Khi có biểu hiện căng thẳng mệt mỏi, khó tập trung chú ý và ghi nhớ, các em nên sử dụng những biện pháp thư giãn tinh thần phù hợp như: nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao, tham gia các hoạt động tập thể và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bình Nam