Cảnh báo tình trạng mạo danh, thổi phồng công dụng bài thuốc đông y trên mạng xã hội

Thứ sáu, 08/11/2024 12:39

Tại buổi họp cung cấp thông tin về Hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức chiều 6-11 vừa qua, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng “giả” mạo danh, quảng cáo “nổ” trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe người dân.

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, Việt Nam được xếp thứ 2 trên thế giới về những thành tựu của nền y học cổ truyền với hơn 5.000 loại cây thuốc có công dụng chăm sóc sức khỏe, đã hình thành nên các vùng trồng dược liệu lớn. Ngoài tác dụng chăm sóc bảo vệ sức khỏe, dược liệu còn dùng làm thuốc, thực phẩm dinh dưỡng, làm mỹ phẩm…

Hiện có khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Y học cổ truyền đa phần tham gia vào điều trị các bệnh lý mãn tính, cơ xương khớp, một số bệnh lý khác. Một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư, điều trị đái đường, rối loạn lipid máu…, bước đầu triển khai cho kết quả tốt.

Cả nước hiện có gần 70.000 hội viên Hội Đông y, với hơn 11 nghìn phòng chẩn trị và trung tâm đông y. Trong đó có nhiều lương y sở hữu những bài thuốc quý giá, gia truyền nhiều đời. Tuy nhiên, hiện nay, các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội. Chia sẻ về tình trạng này, Phó GS.TS Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng “giả” mạo danh, quảng cáo “nổ” trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe người dân.

“Tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ các kênh Tiktok, Youtube... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền”- PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là tình trạng mạo danh lương y nổi tiếng quảng cáo trên Youtube, thậm chí công khai cả số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh như trường hợp một lương y ở Lào Cai. "Đây là vấn đề hết sức đau đầu, Cục đã nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở làm ăn chân chính bị mạo danh. Theo đúng thẩm quyền, Cục đã gửi công văn cho Sở Y tế thậm chí gửi cả cho Công an đến điều tra, lần theo cả số điện thoại nhưng đến nơi thì không có. Tình trạng mạo danh rất phức tạp, cần rất nhiều cơ quan, ban, ngành phối hợp với nhau mới xử lý được"- PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh thông tin.

Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, việc quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cảnh giác trước những đối tượng lừa đảo này.

Bích Thủy

Cảnh giác trước nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân vì dịch vụ

Lực lượng công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước việc những đối tượng xấu lợi dụng thông tin cá nhân khi thực hiện nộp hồ sơ hộ chiếu trên không gian mạng.

Sở GTVT TP Đà Nẵng cảnh báo tình trạng giả mạo cán bộ của Sở để lừa đảo

Chiều 25-10, Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho hay Sở GTVT TP vừa có thông báo về việc cánh báo thủ đoạn lừa đảo giả mạo cán bộ Sở này gọi điện cho tổ chức, công dân có biểu hiện lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng

Ngày 22-10, Cục An Toàn thông tin phối hợp với Sở Thông tin truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.