Cảnh giác trước nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân vì dịch vụ "làm hộ chiếu online"
Lực lượng công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước việc những đối tượng xấu lợi dụng thông tin cá nhân khi thực hiện nộp hồ sơ hộ chiếu trên không gian mạng.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những mặt thuận lợi, lợi dụng việc Bộ Công an triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến, một số đối tượng lừa đảo lợi dụng mở dịch vụ làm hộ chiếu online để trục lợi cá nhân với chi phí cao gấp nhiều lần mức lệ phí do Nhà nước quy định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Việc triển khai cấp hộ chiếu trực tuyến đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, giúp công dân dễ dàng chủ động nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet mà không phải đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng việc người dân chưa nắm được các quy định về việc làm hộ chiếu trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và của Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an, nhiều đối tượng lừa đảo, "cò mồi" đã đăng tin trên các trang mạng như Facebook, Zalo… giới thiệu dịch vụ "làm hộ chiếu online" với những thuận lợi như: Không mất thời gian đi lại, sau khi có hộ chiếu sẽ được gửi về tận nhà… với mức lệ phí cao gấp nhiều lần lệ phí theo quy định của Nhà nước. Người dân không chỉ mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp, mua bán, lộ lọt thông tin cá nhân; các đối tượng xấu dễ dàng sử dụng thông tin cá nhân của công dân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lợi dụng, đề nghị người dân cung cấp ảnh chân dung, ảnh chụp 2 mặt CCCD, số điện thoại, email chính chủ, địa chỉ, mã OTP… và các thông tin cá nhân khác, để làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến. Khi người dân cung cấp thông tin, các đối tượng sẽ lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, như: Đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hoặc đánh cắp các tài khoản trực tuyến mà công dân đang sử dụng như tài khoản ngân hàng, Zalo, Facebook, VNeID… sau đó sử dụng các tài khoản đã đánh cắp để thực hiện lừa đảo người thân, bạn bè hay nhiều người khác trên mạng xã hội.
Để chủ động phòng ngừa trước các thủ đoạn lừa đảo khi nộp hồ sơ cấp hộ chiếu hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác trên không gian mạng, công an khuyến cáo người dân cần chú ý trang bị cho mình một số biện pháp cảnh giác sau:
- Không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội. Cần chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai trên mạng xã hội; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên. Các thông tin cần lưu ý bảo mật gồm có: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng… Những thông tin này người dân không nên cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, khi chưa xác định được danh tính.
- Cẩn trọng xác minh với các tin nhắn hỏi vay tiền qua mạng xã hội, người dân cần trực tiếp gọi điện thoại cho người vay để xác nhận kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền; cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người không quen biết trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn; không nên truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ, không nên truy cập các trang web không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng không quen biết khi nhận được cuộc gọi điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng; người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng… cho các đối tượng không quen biết.
- Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, vụ việc, người dân cần liên lạc ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo.
- Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng… Đặc biệt, không nghe theo và làm theo hướng dẫn của các đối tượng không quen biết.
- Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi nêu trên; phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ với ngành chức năng khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi liên quan đến lừa đảo qua không gian mạng, để cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý kịp thời.
P.V - VTV
Dòng sự kiện:Cảnh giác với tội phạm lừa đảo
Bắt tạm giam đối tượng lừa đảo bằng hình thức trao đổi vợt Pickleball
Đăng ký cho con thi viết chữ đẹp qua mạng, một phụ huynh bị lừa 55 triệu đồng
Bắt tạm giam đối tượng cầm đầu đường dây chơi biêu online
Bắt tổng giám đốc GFDI, rà soát 24 tài sản và nhiều tài khoản liên quan dòng tiền bị chiếm đoạt
Triệt phá nhóm lừa bán thép xây dựng bằng thủ đoạn “khắc nhập khắc xuất”