Cánh cửa hòa bình

Thứ hai, 13/05/2019 10:59

Căng thẳng Mỹ và Iran đang leo thang khi những cái đầu cứng rắn ở mỗi bên dường như đều muốn “ngửi thấy” mùi chiến thắng. Tuy nhiên, đằng sau tư thế này vẫn là cơ hội để cả hai hòa giải.

Nhìn từ bên ngoài, cả Washington và Tehran đã sẵn sàng xung đột quân sự hơn bao giờ hết. Nhưng có thể nói, đó chỉ là vẻ bề ngoài của nó. Sự leo thang căng thẳng mới nhất là cảnh báo của Iran - rút một phần thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 và tiếp tục làm giàu uranium cao hơn trừ khi các nước Châu Âu bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào họ. Mối đe dọa xảy ra ngay sau khi Mỹ tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực, viện dẫn các mối đe dọa mới chống lại quân đội Mỹ từ Iran hoặc những nhóm ủng hộ quốc gia Hồi giáo này.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đẩy mạnh chiến dịch áp lực tối đa đối với Iran bằng cách liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo là một tổ chức khủng bố. Ông cũng thắt chặt “ốc vít” nhằm vào các quốc gia làm ăn với Iran. 1 năm trước, ông cũng gây sốc khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, với lý do được coi là lỗ hổng chính của nó: thỏa thuận này không bảo vệ Israel hoặc các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông khỏi các mối đe dọa của Iran ngoài việc đình chỉ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân hiện nay của Tehran. Trong khi đó, Iran tiếp tục củng cố ảnh hưởng, chi mạnh tay cho các hoạt động quân sự ủy nhiệm ở Syria, Iraq, Yemen, Lebanon và Gaza. 40  năm sau Cách mạng Hồi giáo, Iran cảm thấy mình đang đạt được sự ảnh hưởng rất được mong đợi trong khu vực.

Tất cả những động thái này có vẻ giống như một cách tiếp cận “tất thắng” của cả hai bên. Washington tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Iran trong khi Tehran tìm cách hất cẳng Mỹ và Israel khỏi Trung Đông. Vấn đề với bức tranh này là Iran đã lặng lẽ mở một cánh cửa cho các cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ. Một thỏa thuận bước ngoặt vẫn là một lựa chọn khả thi. Chẳng hạn, hồi tháng trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ. Và giới truyền thông ở Iran liên tục tập trung đưa tin về những lời đề nghị của nước láng giềng Oman làm trung gian giữa Mỹ-Iran. Năm 2012, Oman được xem là chìa khóa đưa Mỹ và Iran đến với nhau trong các cuộc đàm phán dẫn đến hiệp ước hạt nhân lịch sử năm 2015.  Và khi cả Iran và Mỹ sẵn sàng tránh một cuộc xung đột lớn, Oman sẽ lại trở thành người hòa giải.

THANH VĂN