Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ trong tuần này

Thứ ba, 22/04/2025 09:20

Trong tuần này, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ tại Washington, mỗi bên đều mang theo những chiến lược và toan tính riêng.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại phiên họp Ủy ban Ngân sách của Thượng viện ở Tokyo ngày 21-4. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại phiên họp Ủy ban Ngân sách của Thượng viện ở Tokyo ngày 21-4. Ảnh: Kyodo

Ngày 21-4, quyền Tổng thống Han Duck Soo thông báo ngày 24-4 tới, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành "cuộc tham vấn thương mại 2+2”, tức cuộc gặp giữa các bộ trưởng tài chính và thương mại hai nước, tại thủ đô Washington. Đây sẽ là vòng đàm phán cấp cao đầu tiên của quốc gia châu Á này nhằm giảm thuế quan của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok và Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk Geun sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Dư luận đang quan tâm liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có tham gia các cuộc đàm phán hay không, như ông đã làm trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản vào tuần trước. Việc Tổng thống Trump trực tiếp tham gia gây chấn động bàn đàm phán với Nhật Bản khi ông đề cập "chi phí hỗ trợ quân sự" như một phần của chương trình nghị sự trong khi thảo luận với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa. Bộ trưởng Ahn cho biết đến nay, Mỹ vẫn chưa nêu vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc. Theo ông, nếu chủ đề trên được đưa ra, lập trường của Hàn Quốc là lắng nghe quan điểm của Mỹ và sẽ chuyển tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền và để “phản hồi một cách có trách nhiệm".

Ông Ahan Duk-geun cho biết: “Chúng tôi lên kế hoạch thực hiện một chiến lược toàn diện nhằm loại bỏ các loại thuế đối với ô-tô và chất bán dẫn xuất khẩu sang Mỹ”. Các mặt hàng ô-tô Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế tới 25%, trong khi chip bán dẫn và dược phẩm cũng là những mặt hàng có thể nằm trong mục tiêu áp thuế của Mỹ.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Deok-soo tuyên bố rằng Seoul sẽ không “phản công toàn diện” trước các mức thuế của Mỹ, đồng thời đang cân nhắc mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay thương mại từ Mỹ, cũng như tăng cường hợp tác trong ngành đóng tàu. Hàn Quốc cũng sẵn sàng thảo luận về các rào cản phi thuế quan mà nước này đang áp dụng với phía Mỹ, bao gồm tiêu chuẩn khí thải xe hơi, tính minh bạch trong định giá dược phẩm, vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ, cũng như việc thu phí mạng đối với các nhà cung cấp nội dung Mỹ như Netflix.Cũng có khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ chấp thuận cho Google chuyển dữ liệu bản đồ địa phương ra nước ngoài như "một quân bài mặc cả" chính trong các cuộc đàm phán. Trước đó, Hàn Quốc đã từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu bản đồ của Google vào năm 2007 và 2016, với lý do là luật an ninh quốc gia.

Về phía Nhật Bản, nước này chuẩn bị lấy việc mở rộng nhập khẩu gạo Mỹ và nới lỏng quy trình kiểm định đối với ô-tô Mỹ làm “con bài thương lượng”, nhằm đổi lấy việc Mỹ xóa bỏ mức thuế đối ứng 24% và được miễn thuế với ô-tô cũng như với thép và nhôm. Hàn Quốc cũng sẵn sàng thảo luận với phía Mỹ về các biện pháp giảm rào cản phi thuế quan để đảm bảo xe hơi và chất bán dẫn của nước này được Washington miễn thuế.

Đài NHK đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Rutnik và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào ngày 24-4. Trong bối cảnh nguồn cung gạo tại Nhật Bản đang thiếu hụt khiến giá gạo tăng cao, Tokyo dự kiến sẽ đề xuất tăng nhập khẩu gạo, đậu nành và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ. Nhật Bản cũng xem xét nới lỏng các quy định an toàn nhập khẩu xe hơi, cam kết mở rộng đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Nhật Bản sẽ yêu cầu Mỹ xóa bỏ mức thuế đối ứng 24% đánh vào hàng hóa Nhật, đồng thời đề nghị Washington miễn trừ Nhật Bản khỏi các loại thuế đối với ô-tô và sản phẩm thép, nhôm. Trong vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước ngày 16-4, phía Mỹ đã nêu ra việc Nhật Bản đang áp dụng các rào cản phi thuế quan đối với ô-tô và gạo, đồng thời yêu cầu Nhật nới lỏng tiêu chuẩn kiểm định đối với thịt bò và khoai tây nhập khẩu, cũng như mở rộng số lượng nhập khẩu. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết khi thảo luận về vấn đề tỷ giá với phía Mỹ, ông sẽ nhấn mạnh đến nguyên tắc “công bằng”. Tuy nhiên, trước đó ông Shigeru cũng từng bày tỏ rằng việc gộp các vấn đề an ninh và thương mại vào cùng một cuộc đàm phán là “không thực sự phù hợp”.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 21-4 khẳng định ưu tiên của nước này trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ là đạt kết quả thực chất chứ không phải tốc độ. Ông Ishiba lập luận rằng “dục tốc bất đạt” và điều quan trọng nhất trong đàm phán là đạt được những nội dung thực chất, hơn là tìm cách đẩy nhanh tiến trình đàm phán.Ông cũng lưu ý Nhật Bản sẽ không dễ dàng nhân nhượng trong các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn an toàn ô-tô và trao đổi song phương về nông sản.

AN BÌNH

Ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu đối ứng, các doanh nghiệp Đà Nẵng kiến nghị những gì?

Theo các chuyên gia, việc Mỹ tạm dừng áp thuế nhập khẩu đối ứng trong 90 ngày kể từ ngày 3-4 để đàm phán cũng chỉ mới khiến các nước nói chung, Việt Nam nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) sang Mỹ thở phào chứ chưa hết lo ngại. Tại Hội nghị đối thoại DN trong lĩnh vực sản xuất, XNK, logistics trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng tổ chức...

Trung Quốc phản ứng việc Mỹ áp thuế 245%

Ngày 16-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản ứng chính thức trước tuyên bố của Nhà Trắng rằng hàng hoá Trung Quốc đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu vào Mỹ lên tới 245%.

Mỹ áp đặt thuế 245% lên hàng hóa Trung Quốc

Theo thông báo từ Nhà Trắng vào đêm 15-4 (giờ địa phương), Mỹ sẽ áp thuế lên tới 245% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, trong một động thái nhằm đáp trả các biện pháp trả đũa mới đây của Bắc Kinh.