Cảnh giác với "giặc lửa"

Thứ bảy, 06/06/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi ngược lên xã miền núi Hòa Phú (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong cái nắng nóng rát da. Dọc tuyến QL14G, phóng tầm mắt nhìn những khu rừng keo xanh mướt trước đây, giờ chỉ là những bãi thực bì khô héo, nham nhở xen lẫn trong những vạt cây trơ trụi lá. Nhiều chủ rừng đã làm đơn xin xử lý thực bì nhưng vẫn chưa được chấp thuận... Theo anh Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, mặc dù tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào nhưng các anh vẫn lo lắm bởi hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Bên cạnh đó, nhiều khu rừng trồng đang trong giai đoạn khai thác, sau đó là công đoạn xử lý thực bì, nên hầu như khu rừng nào cũng có người cưa hạ, bóc vỏ keo, chặt củi. Ngoài ra, còn vô số mồ mả, miếu thờ xây dựng sát các bìa rừng... Tất cả điều đó, cùng với sự thiếu ý thức của con người trong việc tùy tiện sử dụng lửa thì hiểm họa cháy rừng sẽ luôn xảy ra.

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng chủ yếu bằng dụng cụ thủ công.

Được biết, Hòa Vang là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp nhiều nhất TP với gần 52.000ha; trong đó, 8 xã có rừng đã thành lập 8 tổ xung kích, 42 tổ đội quần chúng với hơn 500 thành viên. Trang thiết bị bao gồm 19 máy thổi gió, 5 máy cưa xăng, 211 rựa phát cán dài, 26 xẻng... Tuy chưa thật đầy đủ nhưng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện xác định, điều quan trọng nhất là phải bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng để những khu rừng trên địa bàn mãi xanh tươi.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, ngoài việc củng cố các đường băng cản lửa, làm mới các biển cảnh báo; lực lượng kiểm lâm huyện còn phối hợp với các địa phương họp dân 8 xã có rừng tuyên truyền, ký cam kết với các chủ rừng. Theo anh Nguyễn Đình Nam, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở địa hình rất hiểm trở, độ dốc lớn nên hàng năm phải chịu ảnh hưởng thời tiết hanh khô, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9, gây khó khăn cho việc quản lý và phát triển rừng. Một phương án bảo vệ rừng có tính khả thi, hợp lý và hiệu quả chính là biết lợi dụng nhiều yếu tố, kết hợp với nhiều bên tham gia, phương thức hoạt động đa dạng, chủ động, phù hợp với hoàn cảnh từng vùng, từng khu vực.

Muốn vậy, phải xác định được các vùng trọng điểm, các điểm nóng về cháy rừng để có phương án cụ thể, đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với chiến lược thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, chữa cháy rừng mang tính chuyên nghiệp, kịp thời ứng phó và xử lý mọi tình huống xảy ra. Lực lượng này có sự phối hợp từ nhiều ngành như Kiểm lâm, Quân đội, Công an và chính quyền, nhân dân địa phương.

CAX Hòa Phú kiểm tra, nhắc nhở người lao động ăn ở tại rừng đề phòng "giặc lửa".

Còn nhớ, vụ cháy rừng làm thiêu rụi hơn 106ha rừng nguyên sinh tại khu vực Hố Chùi (Tiểu khu 52, xã Hòa Phú) vào sáng 21-6-2014 bắt nguồn từ việc một số hộ dân "lén lút" xử lý thực bì gây cháy, gặp gió Tây - Nam thổi mạnh, ngọn lửa bùng phát lan sang khu vực rừng phòng hộ Bà Nà - Núi Chúa. Gần 1.000 người được huy động tham gia dập lửa, túc trực tại hiện trường cho đến chiều tối hôm sau... Có chứng kiến cảnh chống "giặc lửa" ở đây, chúng tôi mới thấy hết sự thiếu thốn các phương tiện chữa cháy. Hàng trăm con người lao mình vào dập lửa hầu hết bằng tay. Người cầm cây xanh xông vào dập lửa, người khác dùng rựa, xẻng chặt đón đầu những lùm cây mà lửa chưa kịp bén tới nhằm tạo ra các khoảng trống.

Do trên địa bàn có nhiều đồi núi, cây bụi thiếu nước chết khô nên rất dễ bắt lửa. Những khu rừng trồng có địa hình dốc đứng, vì vậy mỗi khi xảy ra cháy rừng sẽ rất nguy hiểm cho lực lượng tham gia chữa cháy do phương tiện chữa cháy không vào được khu vực cháy, chủ yếu chỉ sử dụng sức người... Anh Lê Văn Minh, Trưởng CAX Hòa Phú cho biết: "Trước đây, việc xử lý thực bì của người dân khá tùy tiện, thậm chí có trường hợp không xin phép và xử lý cả những lúc cao điểm của nắng nóng. Qua vụ án xét xử các đối tượng gây cháy rừng tại địa phương vừa qua, ai nấy cũng đều thấm thía cái giá phải trả cho sự lơ là trong công tác phòng chống cháy rừng. Bây giờ, nhận thức của người dân trong lĩnh vực này đã thay đổi đáng kể".

Làm gì để rừng không bị cháy? Đó là câu hỏi luôn đặt ra cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng trên địa bàn huyện. Muốn vậy, cần phải gắn trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn của các cấp chính quyền và đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng; tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động xâm hại rừng... Có như thế, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mới giữ rừng hiệu quả; đồng thời, vơi đi nỗi lo cháy rừng trong những ngày nắng nóng như hiện nay.

An Dương